20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp trong đời
Anh đã có hành trình 20 năm gắn bó với Táo Quân, kể từ năm 2003. Nhiều người gọi Táo Quân là thanh xuân tươi đẹp. Anh thì sao?
Tôi xin bỏ chữ “thanh xuân”, chỉ giữ lại 2 từ “tươi đẹp”. 20 năm Táo Quân là tháng năm tươi đẹp trong đời Chí Trung. Qua đây, tôi cũng muốn được gửi lời cảm ơn trân trọng đến NSND Khải Hưng, NSƯT Đỗ Thanh Hải và ê kíp thực hiện Táo Quân đã cho tôi được tham gia chương trình, và từ chương trình Táo Quân tôi đã có những vai diễn được khán giả yêu mến.
Khi gắn bó với sân khấu, tôi đã đóng hàng trăm vai diễn, từ hoàng tử đến nhà Vua trong các vở kinh điển, nhưng chỉ được một bộ phận khán giả yêu thích sân khấu biết đến. Tôi đóng chính kịch rất nhiều, sau này, khi giọng khàn ra, bụng to hơn, mới chuyển sang đóng hài kịch (cười). Nhưng phải đến 2003, bước ra với Táo Quân, tôi mới được đông đảo khán giả yêu mến.
Phải đi dọc đất nước mới cảm nhận được hết tình cảm của khán giả dành cho Chí Trung nói riêng và nghệ sĩ đóng Táo Quân nói chung.
Tôi kể kỷ niệm đơn giản nhất, mỗi khi tôi vào quán nhậu từ Bắc chí Nam, ở cả miền Tây, khi đứng dậy thanh toán, thường nhận được câu: “Có một khán giả đã trả tiền cho bàn của anh rồi”. Tôi rất vui và tự hào. Tự hào khi được làm nghề, được đón nhận, được yêu mến, và vui vì... được trả tiền (cười).
Khi còn là Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi ngại nhắc đến Táo Quân, vì tôi còn mang trên vai trách nhiệm với nhà hát, với sân khấu. Việc mình đứng đầu một đơn vị nghệ thuật, nhưng trả lời phỏng vấn cứ đi ca ngợi một “team” khác, có gì đó rất kỳ. Giờ tôi đã về hưu, tôi có thể chia sẻ hết nỗi lòng và tình cảm của mình.
Tôi đến được với số đông khán giả là nhờ truyền hình, nhờ Táo Quân. Hiển nhiên, khán giả ở miền Tây sẽ không thể xem sân khấu, không biết đến Chí Trung ở sân khấu, đóng Vua hay hoàng tử. Tôi được yêu mến với số đông khán giả mọi miền là nhờ các vai Táo Giao thông, Táo Điện lực, Táo cơ chế... suốt 20 năm gắn bó với Táo Quân.
Vậy ra, danh tiếng là điều anh “được” lớn nhất khi tham gia Táo Quân?
Tôi còn có một gia đình. Anh chị em chúng tôi gắn bó với nhau suốt 20 năm đã trở thành gia đình. Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý, Quốc Khánh, Quang Thắng, Vân Dung... đều rất duyên dáng, ở tôi có nét diễn nghiêm ngắn hơn. Chúng tôi đã cùng nhau thể hiện thế mạnh của mình và hòa hợp với nhau.
Tất nhiên, sau 20 năm lên sóng, sẽ có năm Táo Quân hấp dẫn và cả những năm chưa đủ hấp dẫn. Dàn “Táo viên” chúng tôi đã nhận vô số lời khen cùng ngàn vạn lời chê. Chúng tôi quen với mọi khen chê và vẫn nỗ lực, cố gắng mỗi năm để Táo Quân hay nhất có thể. Nếu có những năm chưa được như kỳ vọng, chúng tôi mong được khán giả thông cảm.
Nhìn lại 20 năm, nếu nhận định ở góc nhìn của anh, anh và Táo Quân đã có đỉnh cao nào?
Tôi là người vô tâm chăng? Tôi ít khi nhìn lại. Tôi không bao giờ đặt ra cho mình câu hỏi, đâu là đỉnh cao, đâu là vai diễn tâm đắc nhất. Tôi không có khái niệm về sự tâm đắc, đỉnh cao. Với tôi, tâm đắc - là sự ngắm nghía chính mình, vuốt ve chính mình.
Tôi chỉ nghĩ rằng, Táo Giao thông là vai diễn được yêu mến. Nhìn vào thực tế xã hội, có thời điểm, tắc đường thực sự là một phần tất yếu của cuộc sống. Trạm thu phí mọc lên khắp nơi. Mãi lộ trở thành câu chuyện nhức nhối... Tôi là người tái tạo lại những hiện thực xã hội ấy qua góc nhìn trào phúng.
Nhìn nhận thẳng thắn, cá nhân tôi đã được ăn theo sự yêu mến của khán giả dành cho Táo Quân, khi chương trình đề cập đến những vấn đề nóng được đông đảo dư luận quan tâm.
“Về hưu mới biết trời màu xanh, trước đây cứ nghĩ trời màu kim tiền”
Giờ này năm trước chúng ta có dịp trò chuyện với nhau, thời điểm đó anh chia sẻ về việc sẽ nghỉ hưu trong năm 2022. Anh nói khi về hưu, anh thấy nhẹ nhõm sau những tháng năm đã vất vả mưu sinh với sân khấu. Từ tháng 6.2022, anh đã nhận quyết định nghỉ hưu chính thức, không còn giữ vị trí Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh đã có 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu như thế nào?
Tôi đang ngồi trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, vậy xin chia sẻ luôn là tôi vẫn miệt mài lao động. Tôi chỉ thay đổi cách thức lao động, nếu như trước đây mướt mải lo tìm tiền, bây giờ tôi đọc sách, tập thể dục, sống cho mình nhiều hơn.
Nếu trước đây, tôi gánh trách nhiệm giám đốc, sau lưng là 200 anh em nghệ sĩ, phải kiếm tiền lo cho nhà hát, cho gia đình, bây giờ tôi lo cho không gian sống của mình, lo nâng cao trí thức, sức khỏe cho mình.
6h sáng tôi dậy đi bơi, tập thể thao. 8h đi ăn sáng với bạn gái. 9h bạn gái về làm việc, tôi đọc sách, cho gà tre ăn, chăm mèo... Tối đi xem phim.
Tôi thực sự rất bận.
Anh đã nhìn thấy vẻ đẹp của công viên, của những người dắt tay nhau đi dạo phố?
Đúng thế. Phải đến khi về hưu mới biết bầu trời có màu xanh, trước đây cứ nghĩ trời màu kim tiền (cười). Nói vui và thậm xưng như vậy. Tôi đang sống chậm lại.
Nhiều người nghỉ hưu sẽ hụt hẫng, bởi trước đó có quyền lực. Tôi chỉ là người lao động, nên không hụt hẫng gì cả.
Mới đây kỷ niệm sinh nhật 62 tuổi, tôi có viết trên trang cá nhân, cả đời chúng ta quần quật kiếm sống, tích lũy được chút tiền vàng, đến cuối đời lại phải mang tất cả số tiền vàng đó đi mua lại một phần sức khỏe mà vẫn lỗ.
Khi còn trẻ, tôi cũng phung phí sức khỏe lắm. Tôi hay rượu bia, ăn nhậu cùng bạn bè, ít ngủ... Giờ, ai rủ đi nhậu, rủ karaoke, tôi thấy sợ.
Sức khỏe thực sự là điều quan trọng nhất. Chúng ta thường chủ quan và lười chăm sóc sức khỏe cho mình. Đơn giản như việc, muốn nhìn thấy được màu xanh của bầu trời, của biển cả, cũng cần phải có sức khỏe.
Tết khi về hưu của anh có gì khác?
Trước đây, tôi hay được biếu lịch, năm nay vừa phải chạy đi mua một cuốn (cười).
Năm mới sắp sang, tôi có lời chúc ngắn gọn tới độc giả khắp mọi miền. Chúc tất cả các bạn hạnh phúc. Tôi đang hạnh phúc và mong cho mọi người, mọi nhà đều hạnh phúc. Hạnh phúc được định nghĩa bởi rất nhiều điều. Có tiền, có sức khỏe, sẽ hạnh phúc.
Quan trọng hơn, hạnh phúc phải đến từ bên trong, tự sự an nhiên trong tâm hồn. Bạn phải bằng lòng với những gì mình có và bằng lòng với cả những gì đã mất đi, mới tìm thấy an nhiên, hạnh phúc.
Cá nhân tôi cho rằng, Chí Trung để lại được nhiều dấu ấn với phần diễn thoại. Anh có những câu thoại gây bão sau khi Táo Quân lên sóng. Đơn cử, “Là quản lý nhưng tớ rất dốt toán”, “Là cán bộ thật, nhưng có mấy khi tớ tư duy đâu”... Để diễn thoại được hay như thế, hẳn diễn viên cũng rất tâm đắc. Có hay không sự tâm đắc của anh dành cho những câu thoại?
Câu hỏi rất hay, nhưng tôi ghét toán thật. Khi đi học lớp 6, có môn đại số, hình học, nói thật, tôi gần như phải đánh vật với môn hình.
Tôi thích rất nhiều câu thoại ở Táo Quân, nhiều câu thoại còn có tính dự báo, ví dụ “Bẩm Ngọc Hoàng, nếu bỗng một ngày đường thông hè thoáng, dân không chịu nổi đâu”, điều này đã được chứng minh qua 2 năm đại dịch COVID-19.
“Táo Giao thông dốt toán mà lại đưa chuyển đổi số ra, chết tôi rồi”, “Nước trong thì không có cá, người tốt quá không ai chơi”, “Nghèo thì nó ghét, đói rét nó khinh, người thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”... Đấy là những câu thoại có tính thậm xưng, chúng tôi diễn thậm xưng, nhưng đóng vai quan ngu đúng là sở trường của tôi.
Nhiều câu thoại, khi qua cách nói của tôi, có thể khán giả thấy đáng tin hơn. Vì tôi sinh năm 1961, tôi đã đi qua chặng đường rất dài với đủ thăng trầm, biến thiên. Tôi đi lên từ tay trắng, buôn đài, buôn xe ở chợ trời, rồi làm đủ nghề mưu sinh. Tôi đủ trải nghiệm, đủ chất liệu sống để những câu thoại mang tính đúc kết, chiêm nghiệm khi tôi nói ra sẽ trở nên đáng tin cậy.