“Ròm” khai thác một đề tài xã hội khá chân thật: Nạn lô đề. Tác phẩm gặt hái nhiều giải thưởng, chịu cảnh “vất vả kiểm duyệt” trước khi đến được với khán giả đại chúng. Hành trình đưa phim ra rạp cũng không kém phần gian nan, như cuộc đời của nhân vật chính...
Chân thật
Chuyện phim xoay quanh Ròm (Trần Anh Khoa) bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, một mình mưu sinh giữa Sài Gòn. Ròm nuôi ước mơ kiếm được nhiều tiền để tìm lại cha mẹ, cũng vì vậy rơi vào cảnh chạy “cò” cho người lao động nghèo mê đánh đề tại khu chung cư cũ. Cùng với Ròm còn có Phúc (Anh Tú Wilson) cũng làm “cò đề” và chuyên giật mối của Ròm.
Đánh đề vốn là một trong những tệ nạn xã hội nhức nhối. Ở phim “Ròm”, người chơi đề bị lòng tham “chiếm hữu”. Chính vì thế họ không tu chí làm ăn mà chỉ chờ cơ hội tìm số trúng. Họ tin vào những điều suy luận viển vông của Ròm, tin vào việc “chỉ cần chờ thời” là có thể “một bước lên tiên”…
“Ròm” mang đến cho khán giả những cảm xúc gần gũi, thân thuộc, sát với thực tế diễn ra trong cuộc sống của người lao động nghèo, khi mà việc “đánh đề” từng được xem là “vị thuốc thần giúp đổi đời”, trong một bối cảnh đặc biệt: Khu chung cư cũ chờ quy hoạch với đầy rẫy những phận đời lao động nghèo khổ.
Đạo diễn Trần Thanh Huy đã khai thác ngóc ngách tối tăm nhất. Đoàn phim cũng đã xây dựng một khu ổ chuột bị che khuất sau những tòa nhà cao tầng. Trong những cảnh Ròm chạy qua khu chợ, người xem thấy từng ngóc ngách chật hẹp đầy ẩm mốc. Đạo diễn cũng tạo điểm nhấn qua những góc quay chao nghiêng, rung lắc như thể nhân vật rơi vào một vòng lặp không lối thoát...
Liệu “Ròm” sẽ là phim trăm tỉ?
“Ròm” ghi điểm trong mắt người xem nhờ lối kể chuyện và nhịp phim đi từ nhẹ nhàng, đến dồn dập rồi lại trở về những khoảng lặng. Cuộc sống cơ cực của những cậu bé và những kẻ ham mê cờ bạc sẽ mãi là một vòng luẩn quẩn, bế tắc đến vừa giận lại vừa thương cho một kiếp người.
Ngoài 2 diễn viên chính, “Ròm” quy tụ nhiều gương mặt rất quen thuộc như Cát Phượng, Hải Triều, Thanh Tú, Wowy... Tất cả đều có khả năng diễn xuất tự nhiên, hợp vai đến mức cứ như đang kể về cuộc đời chính họ.
“Ròm” còn ẩn chứa nhiều thông điệp khắc họa con người trong nghèo khổ, diễn biến tâm lý từ con người tốt bụng, tìm mọi cách mưu sinh đến khi bế tắc, lầm lỡ lại đánh mất bản chất và trở nên vô cùng tồi tệ.
Sòng phẳng, công bằng, có thể nói rằng, “Ròm” như một món ăn lạ trên bàn tiệc điện ảnh Việt. Ra rạp giữa lúc phim Việt đang thiếu vắng những tác phẩm hay, phim Hollywood lại đang có dấu hiệu chững lại, dời lịch, thì “Ròm” được xem là “hàng hiếm” của điện ảnh nước nhà.