Ngày 24.8.1923, vua Khải Ðịnh (1916 - 1925) ban hành một bản Dụ, viết: “Tinh thần của một dân tộc được thể hiện trên các sản phẩm nghệ thuật, nó phản ánh đời sống xã hội, tục lệ, chính trị và hình ảnh của tâm hồn dân tộc ấy.
Đất nước chúng ta đã nhận được từ những thế hệ trước nhiều hiện vật nghệ thuật lâu đời cần được bảo tồn nhằm hình thành và gìn giữ thẩm mỹ và cảm xúc nghệ thuật của những thế hệ tương lai”.
Theo đó, nhà vua cho phép thành lập tại kinh đô Huế một bảo tàng “nhằm quy tụ những tác phẩm nghệ thuật thể hiện đời sống xã hội, tục lệ và chính trị của nước Ðại Nam” (P. Jabouille, “Histoire du Musée”, BAVH, Tome 2, 1929, tr. 92).
Cùng ngày, Khâm sứ Trung kỳ P. Pasquier, cũng ký Nghị định số 1291, thành lập Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định), đặt tại Tân Thơ viện.
Từ Điện Long An qua Tân Thơ viện...
Năm 1845, vua Thiệu Trị (1841 - 1847) cho kiến thiết ở bờ bắc Ngự hà một hành cung, đặt tên là cung Bảo Ðịnh.
Đây là nơi nhà vua tổ chức lễ diễn canh (vua ra cày ruộng tịch điền), đồng thời là nơi “để nhà vua cùng với đoàn tùy tùng sang trọng đến đây vui chơi trong một vài giờ để xa lánh những lo toan của công việc và những trọng trách mà nhà vua phải gánh vác trong cung lớn ở gần đấy”.
Ðương thời, cung Bảo Ðịnh là một cung lớn, bên trong có nhiều kiến trúc quan trọng như: Điện Long An, lang Lãm Thắng, tạ Trùng Phương, hồ Giao Thái, gác Minh Trưng, hiên Ðạo Tâm, viện Chiêm Ân, viện Nhuận Ðức… Trong số đó, điện Long An là kiến trúc chính, lộng lẫy và bề thế, tọa lạc ở vị trí trung tâm của cung Bảo Ðịnh.
Tháng 11.1847, vua Thiệu Trị băng hà, di hài nhà vua được quàn trong điện Long An Ðiện suốt 8 tháng, trước khi đưa đi an táng tại Xương lăng vào năm 1848.
Điện Long An trở thành một trong năm nơi thờ phụng vua Thiệu Trị ở Huế (Thế Miếu, điện Phụng Tiên, điện Biểu Đức, điện Long An và chùa Diệu Dế), cho đến khi thực dân Pháp chiếm giữ ngôi điện này vào tháng 7.1885, sau khi “Kinh đô thất thủ”.
Dưới triều Thành Thái (1889 - 1907), cung Bảo Ðịnh được triệt giải, nhiều kiến trúc trong cung này được dời đi nơi khác, nhưng điện Long An và gác Minh Trưng vẫn được giữ nguyên. Tháng 6.1908, vua Duy Tân (1907 - 1916) cho dời Quốc Tử Giám từ làng An Ninh ở ngoại ô về trong Kinh Thành Huế.
Triều đình tháo dỡ gác Minh Trưng và điện Long An trong cung Bảo Định, đưa về tái thiết trong khuôn viên Quốc Tử Giám.
Gác Minh Trưng trở thành nơi thiết bài vị thờ Khổng Tử và các liệt thánh của Nho giáo, điện Long An đặt làm Tân Thơ viện của Quốc Tử Giám.
...đến Bảo tàng Khải Định
Năm 1913, hội Đô thành hiếu cổ (AAVH) ra đời ở Huế, quy tụ những người Pháp và người Việt yêu thích nghiên cứu lịch sử văn hóa và nghệ thuật.
Hội hoạt động với tôn chỉ “bảo tồn những kỷ vật mang tính chính trị, lịch sử, văn học của Âu châu lẫn bản xứ”.
Triều đình Duy Tân đã cho phép hội Đô thành hiếu cổ dùng Tân Thơ viện làm trụ sở.
Năm 1914, hội Đô thành hiếu cổ bắt đầu xuất bản tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH), chuyên đăng tải những bài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật xứ Huế và Trung kỳ, do linh mục kiêm nhà Huế học Léopold Cadière làm chủ bút.
Tập san Đô thành hiếu cổ hoạt động đến năm 1944, xuất bản được 122 số, thì đình bản do những biến cố chính trị - xã hội ở Huế và Việt Nam lúc này.
Những thành viên của hội Đô thành hiếu cổ đã sưu tầm rất nhiều cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, đồ thủ công mỹ nghệ… của xứ Huế và Trung kỳ, đưa về nghiên cứu và lưu giữ ở Tân Thơ viện, trong đó có nhiều hiện vật rất có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Do hiện vật thu thập ngày một nhiều, nên Khâm sứ Trung Kỳ lúc đó là P. Pasquier đã đề xuất thành lập Ủy ban bảo tàng, gồm bốn thành viên là các quan chức, nhà nghiên cứu người Pháp ở Trung kỳ và một vị đại thần của triều Nguyễn là Thân Trọng Huề để vận động thành lập một bảo tàng ở Huế.
Khâm sứ Pasquier ký một nghị định, cấp cho ủy ban này 3.000 đồng bạc Ðông Dương để mua lại những cổ vật đang trôi nổi trong dân chúng, nhằm giảm bớt tình trạng những cổ vật này sẽ bị chiếm đoạt bất hợp pháp và mang ra bán đấu giá ở nước ngoài.
Từ những nỗ lực của Ủy ban bảo tàng và sự tác động của Khâm sứ Trung Kỳ Pasquier, ngày 24.8.1923, vua Khải Ðịnh ký dụ cho phép thành lập một bảo tàng ở Huế, lấy điện Long An làm nơi trưng bày chính thức, đặt dưới sự quản lý của hội Đô thành hiếu cổ.
Sách vở, tài liệu lưu trữ trong Tân Thơ viện được chuyển sang cất giữ trong một tòa nhà thuộc Quốc Tử Giám, về sau, được đặt tên là Bảo Ðại thư viện.