Vấn đề nổi cộm trong phục hồi ngành Du lịch Việt Nam
Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2022, Diễn đàn Du lịch Việt Nam 2022 gây chú ý với nhiều vấn đề nổi cộm, những đề xuất về giải pháp được đưa ra thảo luận.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường du lịch và thị hiếu của khách du lịch đã có sự thay đổi, kéo theo sự thay đổi của dịch vụ lẫn kỹ năng phục vụ khách du lịch cũng phải thay đổi cho phù hợp với xu thế hiện tại. Do đó, việc chỉ ra các định hướng và lộ trình chuyển đổi để ngành du lịch Việt Nam sớm phục hồi nhận được khá nhiều sự quan tâm.
Tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, khi du lịch đóng cửa đã kéo theo sự ảnh hưởng của rất nhiều ngành nghề có liên quan cũng như nhiều địa phương có điểm đến thu hút số lượng lớn khách du lịch. Vì vậy, việc làm thế nào để khôi phục nhanh du lịch Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước đang sống dựa vào ngành du lịch.
Tuy nhiên, sau thời gian "tê liệt", các đơn vị doanh nghiệp chưa thể dễ dàng phục hồi ngay được. Ông Vũ Thế Bình cũng chỉ ra rằng, những thiệt hại từ dịch COVID-19 sẽ mang lại bài học gì cho ngành du lịch? Ngành du lịch sẽ cần làm gì để sớm hồi phục và phát triển để trở thành ngành kinh tế xanh và từng bước chuyển mình thành kinh tế số? Và bài học từ những thành tựu to lớn của du lịch trong giai đoạn 2017 – 2019 sẽ có thể áp dụng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch không? Những nội dung trên cho thấy để phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch cần chuyển đổi rất nhiều từ tư duy cho đến hành động.
Áp dụng công nghệ, tập trung cho thị trường du lịch nội địa
Dưới góc nhìn của một đơn vị doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng GĐ Flamingo Group, Tổng giám đốc Flamingo Redtours cũng đề xuất, vấn đề hồi phục du lịch việc đầu tiên cần làm chính là phải tiếp cận thị trường khách hàng cá nhân, tập trung vào các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đối với gia đình, nhóm nhỏ. Thứ hai là tập trung vào thị trường gần, đây là thị hiếu của khách du lịch nội địa bởi sự tiện lợi khi di chuyển nhanh và gần.
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và quản lý du lịch. Thời gian qua, nhiều ứng dụng đã được sử dụng để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) nhằm giúp khách hàng trải nghiệm các điểm đến trước chuyến du lịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các công nghệ này càng được các doanh nghiệp du lịch sử dụng nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu và bán sản phẩm trực tuyến. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI), Robot, các dịch vụ không chạm cũng được sử dụng triệt để trong việc quản lý và phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Một số cơ quan quản lý du lịch cũng đang tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du lịch, tạo ra các ứng dụng di động về du lịch an toàn, về hộ chiếu vaccine điện tử...
Ngoài ra, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng nêu 5 định hướng trong phục hồi du lịch trong thời gian tới như Định hướng về thị trường; Định hướng về sản phẩm; Định hướng về xúc tiến, quảng bá du lịch; Định hướng về chuyển đổi số trong ngành du lịch; Định hướng về phát triển nguồn nhân lực cho việc phục hồi du lịch...