Giải mã hoa văn tượng đầu rồng thời Trần tại Hoàng thành Thăng Long

NGUYỄN HỮU MẠNH |

Trong số 27 bảo vật quốc gia mới được được Thủ tướng Chính phủ công nhận, tượng đầu rồng thời Trần được đánh giá là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc dân tộc. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đang bảo quản và trưng bày nhiều hiện vật khảo cổ tiêu biểu, là minh chứng cho thời hoàng kim của Hoàng thành Thăng Long.

Tượng đầu rồng là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập trang trí trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý - Trần nói riêng. Tượng đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long có ký hiệu C7-5201 là khối tượng tròn, cao 60cm. Về mặt kích thước, so sánh với các tiêu bản khác hiện biết, tượng đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long thuộc nhóm có kích thước lớn.

Tượng đầu rồng, một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc dân tộc. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội
Tượng đầu rồng, một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc dân tộc. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội

Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước; má phình rộng; miệng mở to, ngậm ngọc báu; mũi và môi trên biến thành mào lửa hình chữ S. Răng nanh dài và uốn cong lên theo mào lửa, lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn theo mào lửa; mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên; tai to, rộng được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm; thân phủ kín vảy.

Căn cứ hình dáng, kỹ thuật chế tác, địa tầng xuất lộ tượng đầu rồng Hoàng thành Thăng Long được làm dưới thời Trần, có niên đại tuyệt đối vào khoảng thế kỷ XIII.

Tượng đầu rồng xuất lộ trong hố khai quật.Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội
Tượng đầu rồng xuất lộ trong hố khai quật.Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội

Tượng đầu rồng Hoàng thành Thăng Long là hiện vật gốc, được tìm thấy tại hố khai quật C7 thuộc khu vực phát hiện dấu vết kiến trúc bát giác, nằm trong lớp đất phủ đè lên nền sân gạch phía Tây thuộc Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Hiện vật xuất lộ trong địa tầng ổn định là minh chứng cho tính xác thực của hiện vật. Tượng đầu rồng này được tìm thấy cùng các di vật khác là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý - Trần.

Do vậy, Tượng đầu rồng Hoàng thành Thăng Long không chỉ là hiện vật gốc, một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao của nghệ thuật điêu khắc mà nó còn là tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Trần.

Báu vật ngàn năm của cha ông. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội
Báu vật ngàn năm của cha ông. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội

Đây là hiện vật độc bản, được tạo tác hoàn toàn thủ công do vậy, đó là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này. Thêm vào đó, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện loại tượng đầu rồng cỡ lớn của thời Trần được phát hiện ở các địa điểm, như: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Tam Đường (Thái Bình); Tức Mặc (Nam Định); lăng Tư Phúc (Quảng Ninh). Tượng đầu rồng không chỉ là hiện vật độc bản mà đây còn là một trong hai tượng đầu rồng còn nguyên vẹn nhất trong bộ sưu tập tượng đầu rồng của thời Trần hiện biết.

Tượng đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long là tượng trang trí ở vị trí con Kìm, thời Lý - Trần được gọi chung là Xi Vẫn. Xi Vẫn là một loại linh vật được đặt trên mái công trình kiến trúc với hàm ý cầu cho công trình tránh được hỏa hoạn. Huyền Quang, tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm trong bài thơ mô tả về chùa Diên Hựu ở phía Tây của Long thành thời Lý - Trần có câu thơ để nhắc nhở rằng đây là một bộ phận quan trọng của kiến trúc:

Xi Vẫn đảo miên phương kính lãnh

Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàm

Dịch nghĩa:

Bóng Xi Vẫn ngủ được dưới mặt hồ như tấm gương vuông lạnh giá

Ánh tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt

Các phát hiện mới ở Hoàng thành Thăng Long cho thấy, hình tượng Xi Vẫn xuất hiện trên các kiến trúc tại An Nam Đô hộ phủ. Tuy nhiên, tượng đầu rồng này là minh chứng cho sự khác biệt trong nghệ thuật trang trí của kiến trúc Đại Việt thời Lý - Trần với Trung Hoa.

Tượng đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long còn là minh chứng cho sự kế thừa và tiếp nối Thăng Long của nhà Trần. Vị trí xuất hiện trong lớp nền sân cải tạo, sửa chữa sân phía Tây của kiến trúc bát giác của Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần. Các dấu vết cải tạo, sửa chữa bó nền của bát giác cho thấy, đến thời Trần, kiến trúc bát giác đã được cải tạo sửa chữa và pho tượng này là  minh chứng xác thực cho việc ấy.

Tượng đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long cùng với đầu rồng phát hiện tại Tam Đường (Thái Bình) là minh chứng sinh động cho sự tiếp nối và kế thừa điêu khắc thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần. Qua tác phẩm đỉnh cao này cũng thấy được những biến chuyển của nghệ thuật thời Trần so với nghệ thuật thời Lý.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc tiêu biểu như trên, Tượng đầu rồng thời Trần Hoàng thành Thăng Long, thế kỷ XIII xứng đáng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

NGUYỄN HỮU MẠNH
TIN LIÊN QUAN

Giá trị lịch sử của Súng Thần công - Bảo vật quốc gia

NGUYỄN HỮU MẠNH |

Trong số 27 bảo vật quốc gia mới được được Thủ tướng Chính phủ công nhận, súng Thần công thời Lê Trung hưng hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội là hiện vật hiếm, quý giá, là minh chứng cho trình độ kỹ thuật đúc đồng Đại Việt thế kỷ XVII.

Giá trị đồ ngự dụng của vua chúa thời Lê sơ trong Hoàng thành Thăng Long

TS. NGUYỄN HỮU MẠNH (Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQGHN) |

Trong số 27 Bảo vật Quốc gia mới được được Thủ tướng Chính phủ công nhận, bộ sưu tầm bát, đĩa gốm men trắng vẽ lam trang trí rồng, thời Lê sơ, thế kỷ XV, XVI mang những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc tiêu biểu.

Giá trị của tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - Bảo vật quốc gia ở Yên Tử

TS. Nguyễn Hữu Mạnh |

Lễ hội xuân Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) 2023 đã khai mạc từ mùng 10 tháng Giêng và sẽ kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Những du khách đến đây dành nhiều sự chú ý đến Bảo vật quốc gia là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Bí thư huyện bức xúc về việc 300 sổ đỏ của dân bị thu hồi

Hoài Phương |

Bình Định - Về việc tham mưu UBND huyện thu hồi 300 sổ đỏ của người dân, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ cho rằng, đây là vấn đề gây bất ổn trong xã hội.

Khởi tố, bắt tạm giam người cha bạo hành con trai 6 tuổi

Tâm Tú |

Ngày 4.10, Công an Quận 8 (TPHCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam người cha trong vụ bé trai 6 tuổi nghi bị bạo hành.

Xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Mai Đức Chung

LƯƠNG HẠNH |

Bộ Nội vụ tiến hành lấy ý kiến nhân dân đề nghị tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” đối với ông Mai Đức Chung.

Dự báo vùng ảnh hưởng của cơn bão mới mạnh ngang Helene

Thanh Hà |

Tin bão mới nhất cho hay, bão Kirk mạnh lên thành bão cấp 4 ngày 3.10, trở thành bão mạnh thứ 3 trong mùa bão 2024 sau siêu bão Beryl và Helene.

Bất ngờ lý do không đội mũ bảo hiểm của nam sinh lớp 9

Tô Thế |

Khi bị lực lượng CSGT Hà Nội dừng xe kiểm tra vì không đội mũ bảo hiểm, nam sinh lớp 9 tỏ ra bất ngờ.