Rằm tháng 7 tết Trung nguyên và những quan niệm
Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng 7 là tết xá tội vong nhân, nên ngày này người ta làm lễ cúng thí thực cho các vong nhân không nơi nương tựa. Trong quan niệm của Phật giáo, Rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan báo hiếu, với sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Đạo giáo Á Đông tin rằng rằm tháng 7 là tiết Trung nguyên, vào ngày này, các đạo quán lập trai tiếu để tỏ lòng hiếu thuận với bậc sinh thành, cũng nhân đó mà giúp đỡ những vong linh vất vưởng đói khát.
Trong sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng: “Tết Rằm tháng Bảy của người Việt với sự giao thoa giữa các quan niệm tín ngưỡng dân gian với các lễ thức của Phật giáo, Đạo giáo, thể hiện tư tưởng hiếu nghĩa, tính nhân văn rất cao, qua đó góp phần củng cố quan niệm sống từ bi, hướng thiện, nhân văn cho con người. Giáo dục lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, tưởng nhớ, xót thương những người chết vì chiến trận, bất kể là phía “ta” hay phía “địch”, biết ơn những người hy sinh vì nghĩa lớn”.
Tuy nhiên, hiện nay không ít người đang hiểu sai hoặc nhầm lẫn về ý nghĩa của Rằm tháng 7, từ đó dẫn tới việc lạm dụng đốt vàng mã, tâm lý cúng càng nhiều thì nhận được càng nhiều, nên một số người đốt cả ôtô vàng mã với những đồ cao cấp như tivi, điện thoại, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi và thậm chí cả “ôsin”… Thậm chí ở một số địa phương, việc cúng cô hồn còn bị biến tướng thành tục “cướp lễ”, “giật cô hồn” làm mất đi bản chất của phong tục cổ truyền. Những vấn đề trên không chỉ gây nên sự tốn kém và lãng phí về tiền bạc, gây ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ làm cho đời sống văn hóa của người Việt bị bóp méo.
Tết Trung nguyên và lễ nghi cúng bái
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, tết Trung nguyên thể hiện ở việc lập trai đàn chẩn tế, tục lệ này bắt đầu xuất phát từ thời nhà Đường, gắn với việc nhà vua lệnh cho các chùa thiết lễ tụng kinh cầu siêu độ cho tướng sĩ và thường dân đã chết trong các cuộc chiến, đồng thời an ủi gia đình nạn nhân.
Ở ta, tục lệ cầu siêu cho các linh hồn hi sinh vì nước cũng đã được thực hiện từ lâu, sách Đại Nam thực lục có đoạn chép về việc vua Minh Mạng cho lập đàn siêu độ ở chùa Thiên Mụ vào dịp Rằm tháng 7 như sau: “Đạo Phật lấy tế độ làm trọng, là để giúp cho âm phúc được nhờ. Nay ta sai Bộ Lễ sắm sửa lễ vật đến tiết Trung nguyên truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thuỷ lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước. Phật giáo tuy huyền vi mà chưa chắc đã hiển ứng rõ rệt, nhưng lòng ta tưởng nhớ đến tướng sĩ thì không lúc nào quên. Việc lập đàn chay này cũng là ngụ ý thương xót [của ta]”.
Như vậy ban đầu tục lệ lập trai đàn cầu siêu độ cho tướng sĩ là việc của triều đình, sau này dân chúng bắt chước làm theo, dần trở thành một tập tục trong dân gian, mỗi khi trong nhà có người chết, liền thỉnh chư tăng tụng kinh cầu siêu độ cho người chết được siêu thoát và qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc. Thông qua ngày lễ này, chúng ta thấy rõ sự giao thoa giữa Đạo giáo và Phật giáo.