Những nhân vật “sứt mẻ” về nhân cách
Phải thừa nhận, hiếm bộ phim truyền hình nào của Việt Nam lại nhận được sự quan tâm của dư luận như “Sống chúng với mẹ chồng”. Cả theo hai hướng, khen hết lời và chê cũng không dứt. Phim đã khai thác câu chuyện về hôn nhân gia đình, xung quanh mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu, nhưng có điều các nhân vật trong phim được điển hình hóa theo hướng tiêu cực, tức là tập trung nhiều vào các khuyết điểm của họ. Các nhân vật chính trong phim đều "sứt mẻ" về tính cách.
Các bà mẹ chồng trong phim được "phóng đại" hình ảnh người mẹ chồng thời phong kiến - trong khi thực tế, cuộc sống đã thay đổi, các bà mẹ bây giờ đã mở tư tưởng hơn rất nhiều. Điển hình cho mẫu mẹ chồng này chính là bà Phương (NSND Lan Hương đóng). Dù rất yêu thương con trai, hết lòng chăm lo cho gia đình, nhưng lại được xây dựng theo hướng là một bà mẹ chồng chỉ cho mình là đúng, luôn can thiệp vào mọi chuyện, kể cả chuyện chăn gối của con dâu và con trai. Sự khắc nghiệt với con dâu là một trong những lý do khiến bà Phương bị một số khán giả ghét cay ghét đắng.
Các mối quan hệ gia đình bị đẩy lên quá mức trong phim "Sống chung với mẹ chồng". Ảnh: VFC |
Ngoài bà Phương, phim còn xây dựng hình ảnh một bà mẹ chồng cổ hủ, trọng nam khinh nữ là mẹ của Tùng. Bà luôn đặt áp lực phải sinh con trai nối dõi lên con dâu. Sự hiền lành, chất phác của một bà mẹ thôn quê gần như mất điểm hoàn toàn, khi phim khai thác và xoáy quá sâu vào những tư tưởng cổ hủ của bà mẹ.
Rồi các cô con dâu trong phim, cũng được xây dựng theo hướng tiêu cực, để làm nổi bật lên "cuộc chiến" mẹ chồng nàng dâu - "kẻ tám lạng người nửa cân".
Minh Vân trong phim là người có học, nhưng không tinh tế trong cách ứng xử. Trong những cuộc trò chuyện với chồng, cô thường gọi bà Phương là “mẹ anh”; nói chuyện với bố mẹ đẻ hay với bạn thân, Vân đều gọi mẹ chồng là "bà ấy", "bà ta"... Tức là cô có tư tưởng coi cha mẹ của chồng là… người ngoài. Cô sẵn sàng đối đầu trực tiếp với mẹ chồng, bốp chát kiểu “hàng tôm hàng cá”. Vì thế, ngay cả khi Vân phải chịu nhiều đau khổ và ấm ức, khán giả vẫn không thể thông cảm, ủng hộ cô.
Bên cạnh đó, nhân vật Trang (Thu Quỳnh) - bạn thân của Vân - còn được khắc họa tiêu cực hơn, một người thuộc mẫu phụ nữ luôn có định kiến với mẹ chồng. Còn các ông chồng trong phim, đều thiếu quyết đoán và tỏ ra bất lực trong việc giải quyết căng thẳng sự bất hòa trong gia đình.
Một phân cảnh trong phim. Ảnh: VFC |
Phim thiếu nhân văn
Chỉ còn vài tập nữa “Sống chung với mẹ chồng” sẽ kết thúc, khán giả đang chờ cái kết có hậu cho phim. Nhưng đến hiện tại, phim vẫn chưa có lấy một nhân vật tử tế. Có thể nhân vật chính trong phim – cô nhà báo tên Vân – sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thực của mình, nhưng Vân và các nhân vật vẫn chưa nhận ra những khiếm khuyết trong tính cách để sửa chữa.
Theo GS -TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển – thì những xung đột, mâu thuẫn, bi kịch… mang tính vụn vặt trong gia đình đã bị “thậm xưng hoá” trong “Sống chung với mẹ chồng”. Chính vì thế bộ phim thiếu đi tính nhân văn.
“Tôi kịch liệt phản đối phim “Sống chung với mẹ chồng”. Từ một tác phẩm của Trung Quốc đã dựng thành một chuyện không có thật ở Việt Nam. Phim đã kích thích những mối quan hệ trong gia đình, đẩy đi theo hướng tiêu cực, nhấn vào những mâu thuẫn không hợp với đạo lý của người Việt Nam. Nền tảng của xã hội là gia đình, mà gia đình đã bắt đầu những mâu thuẫn như thế, đối xử không kính trên nhường dưới, không tôn trọng lẫn nhau như thế, thử hỏi con trẻ sẽ học được gì?” – Giáo sư Quý cho biết.
Giáo sư Quý cũng cho rằng, phim ảnh – ngoài việc chạy theo lợi nhuận thì cần đề cao yếu tố giáo dục, để khán giả xem phim có được những cảm xúc tích cực, chứ không phải là căm ghét nhau, quá ám ảnh về mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu.
(Trailer phim "Sống chung với mẹ chồng")