Bấp bênh "nhảy việc"
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành, anh Nguyễn Văn Tiệp (SN 2000, quê quán ở Hải Phòng) bắt đầu làm freelancer - người làm nghề tự do với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng.
Công việc không nhiều áp lực, nhưng không có cơ hội để thử thách bản thân, anh quyết định chuyển sang một công việc mới, lương khởi điểm chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.
“Mỗi công ty là một môi trường làm việc khác nhau. Thời điểm đó, tôi cảm thấy công việc này không còn phù hợp nữa nên tôi nghỉ việc" - anh Tiệp cho hay.
Giữ chức vụ nhân viên kế toán tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), chị Nguyễn Thị Oanh (tên nhân vật đã đổi) có mức lương khoảng trên 10 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy mức thu nhập không đáp ứng đủ điều kiện sống, cơ hội thăng tiến hiếm hoi nên chị Oanh đã nghỉ việc. Hiện tại, mức lương của chị là hơn 20 triệu đồng/tháng với vị trí là chủ quản bộ phận kho tại một công ty thuộc Khu Công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).
Theo chị Oanh, việc thay đổi công việc có thể khiến thu nhập bấp bênh. Áp lực tài chính trong khoảng thời gian thất nghiệp và những khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới. Tuy nhiên, đây cũng là cách giúp chị có hướng đi phát triển trong sự nghiệp của mình.
Chị Oanh cho rằng, hiện nay, xu hướng chuyển đổi vị trí việc làm có ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Tuy nhiên, nếu muốn “nhảy việc” thì ngoài quan tâm đến những cơ hội, thì người lao động cũng cần xác định rõ những rủi ro phía sau đối với bản thân và cộng đồng kinh tế.
Cần dự báo cung - cầu lao động
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 21.7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bối cảnh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có nhiều khó khăn song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số vẫn có sự tăng trưởng nhẹ.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867.000 người so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,71%. Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng hơn 900.000 người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Các địa phương cũng đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm. Cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thời gian dịch bệnh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường lao động hiện nay phát triển chưa bền vững, vẫn còn hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Chất lượng lao động còn hạn chế. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng chậm. Tình trạng mất việc, cắt giảm việc làm khiến lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.
"Công tác giải quyết việc làm và nhấn mạnh cần nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động. Xây dựng thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nêu, năm 2022-2023 thị trường biến động rất nhanh, nguyên nhân do người lao động "nhảy việc". Do vậy, phải dự báo đúng cung và cầu gắn với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và theo dõi sát tình hình, chủ động điều tiết thị trường lao động.
Từ nay đến tháng 10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XI về chính sách xã hội và ban hành chính sách, chủ trương mới về chính sách xã hội năm 2030, tầm nhìn 2045.
Định hướng đến năm 2030, Việt Nam là quốc gia tiên phong về vấn đề an sinh xã hội và việc làm, trong đó, sẽ lựa chọn 3 vấn đề có tính đột phá và chiến lược. Cụ thể, hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa và thị trường lao động sẽ là một trong 5 thị trường căn bản của kinh tế thị trường.