Sáng 17.8, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các đại biểu cùng chung đánh giá vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là nơi hội tụ những điểm sáng nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua.
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở vùng đồng bằng sông Hồng ước đạt 43,3 triệu đồng/người/năm, cao thứ hai trong cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ).
Vùng Bắc Trung Bộ đạt 27,9 triệu đồng/người/năm (mặc dù tăng 16,1 triệu đồng so với năm 2010, mức thu nhập bình quân của vùng vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung của cả nước là 35,9 triệu đồng).
Tỉ lệ hộ nghèo chung của cả vùng năm 2018 là 3,14%, song có sự chênh lệch lớn giữa hai vùng. Vùng đồng bằng sông Hồng có 1,79% hộ nghèo, tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng đạt dưới 4%, thấp hơn mức trung bình cả nước. Vùng Bắc Trung Bộ có 6,03% hộ nghèo, trong đó chỉ có Thừa Thiên Huế có tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn cả nước (5,03%). Tỉ lệ hộ cận nghèo của cả vùng là 4,38%.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới.
Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng do mật độ dân số cao, kinh tế phát triển nóng, chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường. Bên cạnh lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân nông thôn, đây còn là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều làng nghề với lượng chất thải lớn, nhiều nơi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người dân.
Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bêtông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ
Trong thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của việc giữ đất trồng lúa, bị sa vào bẫy thu nhập trung bình, làm cho thu nhập bình quân của người dân nông thôn mặc dù hàng năm vẫn tăng, nhưng tăng chậm; chất lượng cuộc sống của người dân có tăng lên, nhưng chưa có sự đột phá.
Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến xây dựng nông thôn nên kết quả còn khiêm tốn. Một số địa phương có biểu hiện hài lòng với kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng nông thôn mới có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây.
Đối với vùng Bắc Trung Bộ, kết quả xây dựng nông thôn mới trong vùng có sự chênh lệch khá lớn, một số tỉnh, số xã đạt chuẩn vẫn còn mức dưới 50% số xã; kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số vùng khó khăn chưa thật sự bền vững.
Vẫn còn địa phương nặng về hình thức, mới quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu, chưa quan tâm đến chất lượng của việc đạt chuẩn; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện còn kém bền vững, như môi trường, an ninh trật tự…