Cơn bão số 16 đang tiến nhanh về hướng Nam Bộ. Dự báo, khoảng tối và đêm nay (25.12) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12-13.
Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đêm qua, bão 16 đã đi sát phía nam đảo Huyền Trân và một số nhà dàn DK.
Tại đây, các đài khí tượng thủy văn đã quan trắc được gió mạnh cấp 12-13, giật 14-15 và sóng cao 8-10 mét.
Bão đang duy trì cường độ cấp 11 - 12, giật cấp 14 -15 và hướng về phía Côn Đảo trưa nay, sau đó sẽ quét qua Nam Bộ.
Ông Hải cảnh báo, chỉ còn 12-15 giờ nữa cho các hành động sơ tán khỏi nơi nguy hiểm đến nơi an toàn.
Diễn biến của bão còn phức tạp và nhiều thay đổi, do vậy người dân cần có phương tiện thông tin kèm theo để liên tục cập nhật những bản tin mới nhất của cơ quan cảnh báo bão để có thể phòng chống hiệu quả.
Đồng thời, cần chú ý di dân đến nơi an toàn tránh trú bão, đề phòng thiệt hại về người. Bên cạnh đó, cần gia cố nhà cửa, triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão rất mạnh này.
Người dân cũng nên lưu ý, khi bão vào bờ sẽ im gió, nhưng sau bão sẽ còn gió rất mạnh nên người dân chưa nên triển khai các hoạt động kinh tế. Vùng gió mạnh còn kéo dài nửa ngày tiếp theo sau khi bão đã đi qua trên đất liền.
Chia sẻ trên bản tin của VTV, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 16 là cơn bão kỷ lục hoạt động trên biển Đông. Trước đó chưa từng có cơn bão nào mạnh cấp 12 ở Nam Biển Đông vào thời điểm này trong năm, đồng thời cũng chưa từng có cơn bão nào mạnh như vậy đổ bộ vào vùng Nam Bộ nước ta.
Theo quan trắc mới nhất của trung tâm khí tượng, tại đảo Trường Sa và đảo Huyền Trân, tốc độ gió đã lên đến cấp 9 - 10, giật cấp 13. Đây được đánh giá là cơn bão rất mạnh và còn tiếp tục tăng cấp trong thời gian tới, sóng biển trên 8m.
Theo ông Cường, bão sẽ đổ bộ vào vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) với cấp 10 giật cấp 13.
Khi đổ bộ, bão sẽ hoạt động trên đất liền và dọc theo kênh rạch. Sau đó, bão sẽ tiếp tục hoạt động tại vùng biển Cà Mau - Kiên Giang, khu vực ít khi có bão mạnh như vậy hoạt động ở thời điểm này trong năm. Vì vậy, người dân không được chủ quan, để tránh lặp lại thảm họa của cơn bão Linda từng đổ bộ vào miền Nam nước ta năm 1997 đã làm 3.000 người chết và mất tích.