Nhà báo mắc COVID-19 như thế nào?
Đây là nhà báo mắc COVID-19 đầu tiên mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch đến nay. Bệnh nhân số 183 là nhà báo T.H (43 tuổi) công tác tại báo Vietnam News thuộc Thông tấn xã Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 12.3 nhà báo H đến phỏng vấn cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam. Đến ngày 24.3, cựu đại sứ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, được xác định là bệnh nhân số 148.Theo Bộ Y tế, ca bệnh 148 là nam, 58 tuổi, quốc tịch Pháp ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội. Bệnh nhân là du khách từ Pháp đến Việt Nam ngày 12.3.2020 trên chuyến bay VN0018. Từ 12-19.3, bệnh nhân có đi đến nhiều điểm ở Hà Nội. Ngày 19.3, bệnh nhân được Trung tâm Y tế Đống Đa lấy mẫu xét nghiệm, sau đó bệnh nhân tự cách ly tại nhà. Ngày 24.3, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, sau đó bệnh nhân được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Một đồng nghiệp của nhà báo H cho biết: Sau khi Hà Nội có bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19, toà soạn báo Vietnam News đã làm việc từ xa. Các phóng viên có việc cần thiết mới tới toà soạn. Chủ yếu kíp trực có mặt thường xuyên ở cơ quan. Sau khi phỏng vấn cựu đại sứ Pháp, chị H vẫn có vài buổi đến toà soạn tại tầng 10 tòa nhà 79 Lý Thường Kiệt và không có biểu hiện bất thường gì về sức khoẻ. Những buổi đến toà soạn, chị H có tiếp xúc với đồng nghiệp cùng phòng.
Đến ngày 24.3, sau khi Bộ Y tế công bố ca 148 mắc COVID-19, chị H và những người có tiếp xúc gần khác đều đã được đưa đi cách ly tập trung. Trước đó, khi có thông tin cựu đại sứ nằm trong diện nghi nhiễm, chị H cũng đã tự cách ly tại nhà.
"Mọi sinh hoạt của H và các đồng nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Khi ngày 24.3, có kết quả về ca 148 mắc COVID-19, cả toàn soạn đã có xáo trộn và thực hiện các biện pháp mạnh về cách ly. Toà soạn không ngồi cùng tầng nên có những đồng nghiệp không tiếp xúc với H", đồng nghiệp của nhà báo H cho hay.
Ngày 27.3, cơ quan chức năng đã khử trùng tiêu độc tại tòa nhà 79 Lý Thường Kiệt. Ngày 29.3, tòa nhà nơi chị H sinh sống thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng được khử khuẩnvà cách ly một số khu vực có liên quan.
Nhà báo H đã công tác hơn 20 năm tại báo Vietnam News. Ngay sau khi có thông tin về trường hợp của ca bệnh số 148 và 183, báo Vietnam News đang thống kê những người tiếp xúc với bệnh nhân. Báo Vietnam News sẽ tạm dừng xuất bản báo giấy trong 2 tuần tới (từ 30.3 đến 15.4). Tuy nhiên, Vietnam News vẫn liên tục cập nhật tin tức và bài viết trên website hàng ngày.
Nhà báo trong dịch bênh
Năm 2003, dịch SARS (hay còn gọi là Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 11.2002. Dịch SARS đã lây lan ra 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc, trong đó có 916 người tử vong. Theo đó, đến tháng 7.2003, sự bùng nổ của bệnh trên toàn cầu chấm dứt và không có trường hợp bệnh nào xảy ra kể từ năm 2004.Việt Nam cũng trải qua 45 ngày chiến đấu với SARS, đã có 5 bác sĩ và điều dưỡng cả người Pháp và người Việt tử vong trong dịch SARS năm đó.
Phóng viên ảnh Nguyễn Việt Thanh - Phóng viên ảnh báo Vietnam News từng tác nghiệp trong dịch SARS năm 2003 đã một mình một máy ra vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (khi đó là Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới) để chụp lại bộ ảnh về các bác sĩ và bệnh nhân nơi đây.
Nhà báo Nguyễn Việt Thanh nhớ lại: Bệnh dịch mới xảy ra trong thời gian ngắn, không có thuốc đặc trị. Hồi đó chưa không có mạng xã hội, thông tin rất ít. Tin chính thống trên báo chính thống là chính, còn tin đồn thổi thì nhiều lắm. Cả con phố Phương Mai vắng lặng không bóng người. Nhiều người không dám đi qua con phố ấy.
Vũ khí duy nhất phóng viên sử dụng khí vào dịch là chiếc khẩu trang y tế cùng máy ảnh.
Tại dịch COVID-19 này, có hàng trăm phóng viên trong nước đã tham gia tác nghiệp để đưa đến bạn đọc nhưng thông tin chính xác, chân thực nhất về dịch bệnh. Có một điều khác, sau 17 năm từ dịch SARS 2003, phương tiện bảo hộ, tác nghiệp cũng như "hành trang" cho các nhà báo đi tác nghiệp đã tốt hơn. Nhưng không phải vì thế mà các nhà báo chủ quan khi tác nghiệp.
Laurie Garrett, một phóng viên từng đoạt giải Pulitzer, viết trong cuốn sách của bà nhan đề The Coming Plague—Newly Emerging Diseases in a World out of Balance (Đại dịch sắp tới - Những bệnh mới trong một thế giới mất cân bằng) chia sẻ kinh nghiệm sống sót trong vùng dịch SARS của mình trên tờ Foreign Policy.
Trong dịch SARS, nữ phóng viên Laurie Garrett đi khắp Trung Quốc và Hồng Kông, phỏng vấn người bệnh, bác sĩ và y tá, các quan chức, cảnh sát. Bà tự tin không nhiễm bệnh nhờ những kinh nghiệm phòng ngừa đến nay vẫn hữu ích ngăn dịch COVID-19.