Bến xe nghìn tỉ hết cảnh đìu hiu
Ghi nhận của Lao Động, trong ngày đầu Bến xe Miền Đông mới đón thêm 79 tuyến xe dời về hoạt động, lượng khách đến bến đã tăng đáng kể, nhiều thời điểm ở một số quầy bán vé lượng khách tăng cao, người dân phải xếp hàng chờ tới lượt mới có thể mua vé.
Không còn cảnh lác đác chỉ có bảo vệ và lao công qua lại như 2 năm qua (từ 10.10.2020 bến xe mới hoạt động). Tại bến xe cũng đã lắp đặt wifi công cộng, máy bán nước tự động, máy ATM, quầy bán nước và đồ ăn nhẹ... để phục vụ người dân.
Anh Đào Đình Năng (Ngụ TP. Dĩ An, Bình Dương) cho biết, do đặc thù công việc nên thường xuyên di chuyển với các tỉnh lân cận quanh TPHCM và xe khách là phương tiện thường được anh Năng lựa chọn. Anh Năng cho hay, những lần trước, anh thường di chuyển lên bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) để mua vé đi xe khách, do vị trí nhà cách bến cũ khá xa nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Khi biết tin tuyến xe anh hay sử dụng chuyển về bến mới tại TP.Thủ Đức anh Năng không khỏi vui mừng.
Lo lắng xe dù, bến cóc hoành hành
Ông Nguyễn Văn Chung (tài xế tuyến xe Châu Pha, Bà Rịa - Vũng Tàu đi TPHCM) cho biết, trong sáng ngày đầu tiên, lượng khách chưa thực sự nhiều. Nguyên nhân được ông Chung đưa ra là do nhiều người dân chưa nắm được thông tin là xe khách chuyển về đây hoạt động. Theo ông Chung, từ khi biết tin tuyến xe của ông nằm trong danh sách phải di dời về bến mới, ông khá lo lắng bởi không biết về nơi mới khách và hàng hóa sẽ ra sao khi cự ly từ bến cũ đến bến mới khá xa. Ông lo sợ khách quen sẽ bỏ xe.
“Chúng tôi phải thực hiện xe trung chuyển, đón khách từ bến cũ qua đây (và ngược lại). Đồng thời, những ngày qua khi có khách đặt xe tôi cũng thông báo là từ 11.10, xe sẽ chuyển bến hoạt động, trên trang cá nhân (mạng xã hội) tôi dùng tài khoản cá nhân để thông báo cho khách được biết... hy vọng với trang thiết bị hiện đại, rộng rãi, thoáng mát tại bến mới sẽ được người dân đón nhận, thời gian tới sẽ đông khách hơn” - ông Chung chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Chung lo lắng việc xe dù, bến cóc hoạt động sôi nổi bên ngoài sẽ khiến những tuyến xe cố định hoạt động tại bến trở nên vắng khách.
Ông Chung bày tỏ ý kiến: “Xe dù đón trả khách ngoài đường gần như không phải đóng phí gì, còn chúng tôi khi vào bến phải đóng, trong khi lượng khách giảm đi, như vậy là cạnh tranh không công bằng. Người dân thường chỉ quan tâm chỗ nào thuận tiện thì họ đi, do đó nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này thì việc kinh doanh sẽ gặp khó trong thời gian tới”.
Ông Bùi Ngọc Sơn, đại diện nhà xe Phương Sa cũng cho rằng, trong sáng 11.10 nhiều hành khách rất phàn nàn về dịch vụ trung chuyển giữa bến mới và trung tâm thành phố (và ngược lại).
“Không phải nhà xe nào cũng có xe trung chuyển, nên phần lớn người dân cũng đang phải tự túc, và chi phí đi lại từ trung tâm ra đây có thể bằng với số tiền của cả chuyến xe khách từ TPHCM đi các tỉnh lân cận như Vũng Tàu, Bình Thuận... nên người dân lựa chọn xe dù, bến cóc cũng không phải là điều khó hiểu” - ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Lâm Hải - Phó ban Quản lý bến xe Miền Đông mới cho biết, để chuẩn bị cho công tác di dời các tuyến xe ở giai đoạn 2 từ bến xe hiện hữu ra bến xe mới, Ban quản lý bến xe đã chủ động chuẩn bị, đầu tư thêm các quầy vé cũng như các vấn đề liên quan để các đơn vị vận tải cũng như hành khách yên tâm khi chuyển về bến mới hoạt động. “Lượng xe di dời của giai đoạn 1 và giai đoạn 2 khác nhau rất nhiều. Số lượng của giai đoạn hai theo biểu đồ và số lượng đăng ký thì hơn 1.000 chuyến/ngày. Tuy nhiên số lượng hoạt động thực tế thì khoảng hơn 400 xe, nếu mà di dời hết toàn bộ 100% ra.
Hiện tại bến, có bốn tuyến xe buýt có trợ giá vào bến xe và năm tuyến có lộ trình qua bến xe mới hoạt động.
Đồng thời, bến xe đang phối hợp với Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng thành phố để lắp đặt nhà chờ trước cửa bến xe, tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho người dân di chuyển” - ông Nguyễn Lâm Hải nói.
Bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức) là bến xe lớn nhất nước có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 740 tỉ đồng. Trước đó, từ tháng 10.2020, bến xe Miền Đông mới được đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 22 tuyến từ Quảng Trị trở ra Bắc được di dời từ bến xe cũ qua. Theo Sở GTVT TPHCM, giai đoạn 3, hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh.