Chen chúc nơi bệnh viện xuống cấp
Ngày 9.11, ghi nhận của Báo Lao Động tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (cơ sở nằm trên đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều), nơi đây chật kín bệnh nhân, người đến khám bệnh cũng như người đi chăm bệnh.
Quan sát cho thấy, từ ngoài cổng, hành lang cho đến trong phòng bệnh nhân, tất cả đều chật cứng. Có nhiều giường nằm 2-3 người, những người thân đi theo chăm sóc các bệnh nhân này đành phải ra ghế đá, hành lang trong khuôn viên bệnh viện.
Đang điều trị tại bệnh viện, ông H chia sẻ, bệnh viện luôn trong tình trạng đông đúc, giường bệnh cũng vậy, cơ sở hạ tầng nơi đây đang xuống cấp nghiêm trọng.
“Diện tích của Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ nhỏ, cơ sở hạ tầng thì xuống cấp, điều đó rất ảnh hưởng đến công tác khám chữa của các y bác sĩ. Bên cạnh đó, cũng ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân lo lắng ở bệnh viện ẩm thấp, đông đúc có khi lại nhiễm bệnh thêm. Qua đây mong rằng, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ mới sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để người dân có nơi điều trị khang trang”, ông H cho hay.
Bà Trần Ngọc Hà (67 tuổi, tỉnh Kiên Giang) mắc bệnh thực tràng đang xạ trị mũi 2 - chia sẻ, gia đình khó khăn, xa trung tâm thành phố Cần Thơ nên bà xin ở lại viện, mặc dù biết là đông là chật nhưng phải chịu vì ra ngoài thì không có tiền thuê trọ.
Bệnh nhân xạ trị chờ 3 - 4 tháng vì quá tải
Ông Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ – thông tin, hiện nay, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ với chức năng khám, chữa bệnh chuyên ngành ung bướu cho người dân ở Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo ông Kha, thực trạng lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám ngày càng đông, từ khâu khám bệnh ngoại trú cũng như trong điều trị nội trú.
Ông Kha cho biết thêm, mỗi ngày, trung bình từ 600 - 700 bệnh nhân khám ngoại trú, hơn 500 bệnh nhân điều trị nội trú. Với lượng bệnh nhân đông như thế thì bệnh viện đang quá tải.
“Hiện bệnh viện đang rất nỗ lực, cố gắng. Cán bộ, nhân viên bệnh viện phải làm việc tăng ca, thậm chí là làm thêm cả ngày thứ 7 cũng như làm ngoài giờ. Riêng với một số lĩnh vực đặc biệt như chẩn đoán hình ảnh, xạ trị, hiện nay quá tải quá mức, trang thiết bị rất hạn chế. Do đó, đội ngũ y, bác sĩ làm cả 3 ca, làm từ 5h sáng cho tới 3h khuya hôm sau, để phần nào giải quyết được lượng bệnh nhân”, ông Kha nói.
Theo vị Giám đốc này, hiện nay, bệnh viện có một máy xạ trị, mặc dù tích cực làm cả 3 ca nhưng trung bình chỉ có thể giải quyết được khoảng trên dưới 100 bệnh nhân trong ngày. Trong khi lượng bệnh nhân yêu cầu về xạ trị của bệnh viện rất là lớn, có khi 300 - 400 bệnh nhân trên một ngày. Như vậy, người bệnh muốn vào xạ trị phải chờ đợi trong thời gian từ 3 - 4 tháng mới vào được xạ trị. Đây là thực trạng khó khăn nhất của bệnh viện mà hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu của người bệnh.
Trái ngược với hình ảnh đông đúc, chật kín người thì dự án Bệnh viện Ung bướu mới cơ sở tại đường Nguyễn Văn Cừ thi công 6 năm nay vẫn chưa xong, nơi đây như đại công trường hoang tàn.
Ông Phạm Quang Dũng - cán bộ Ban điều hành thi công công trình dự án cho biết, toàn bộ máy móc, thiết bị tập kết ở công trường để thi công gần 2 năm qua không hoạt động. Nhiều thiết bị không đưa vào trong nhà được, bởi nếu đưa vào sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của sàn nhà nên buộc phải để ngoài trời, dầm mưa dãi nắng.
Theo tìm hiểu, từ tháng 6.2022 đến nay, khối lượng thi công của dự án đạt chỉ khoảng 21,3%. Gần 2 năm qua, không có công nhân lao động tại công trường.