Mới đây, đề xuất mang giải pháp tổng thể để cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” được Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (Công ty JVE) gửi tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội khiến giới chuyên môn và dư luận đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng cho rằng, dự án trên dù có thú vị và khả thi đến đâu, nhưng điều quan trọng vẫn là chi phí và phải đảm bảo tiêu chí về lợi ích của 3 bên: Người dân, thành phố Hà Nội và doanh nghiệp thực hiện.
Theo vị chuyên gia, việc dòng sông trở thành công viên hay một trung tâm văn hóa, du lịch là điều đáng ủng hộ; tuy nhiên, dự án cần có sự đánh giá tổng thể về chi phí thực hiện, tác động thế nào lên đời sống người dân xung quanh, thành phố Hà Nội và thậm chí là doanh nghiệp.
“Có thể dự án sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch, mang lại cảnh quan sạch đẹp và biến dòng sông trở thành trung tâm văn hóa du lịch của thành phố, nhưng vấn đề đặt ra là để thực hiện dự án sẽ tốn phí bao nhiêu? Thành phố Hà Nội sẽ lấy nguồn kinh phí từ đâu, làm thế nào để hài hòa lợi ích 3 bên?”, bà An nói.
Cũng theo PGS. TS Bùi Thị An, nếu có một nước nào đó sẵn sàng viện trợ cho dự án và chúng ta không phải hoàn lại thì không đáng bàn, nhưng nếu là của doanh nghiệp thì cần có sự tính toán tỉ mỉ, kèm theo những mục tiêu trong đề án đưa ra. Dù nguồn kinh phí từ Nhật Bản hay vay ODA thì cũng là xuất phát từ tiền thuế của dân, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân Thủ đô.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận, ý tưởng của doanh nghiệp rất hay, tuy nhiên tên gọi "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh" là tên gọi mới nhưng "không được chính xác", chỉ nên gọi là "Công viên lịch sử - văn hóa" bởi vì trong "văn hóa" đã bao gồm cả "tâm linh".
Về vấn đề tài chính, PGS TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, năng lực doanh nghiệp chưa được đề cập rõ ràng. Đối tác khi thực hiện có đủ tiềm lực để thực hiện như những kế hoạch ban đầu hay không? Khi xây dựng xong ai quản lý, sử dụng, tu bổ như thế nào; ai chịu trách nhiệm?
“Chúng ta chưa biết năng lực của nhà đầu tư đến đâu. Để tránh tình trạng quảng cáo thì rất hay nhưng khi thực hiện thì liên kết với nhau đội giá, tôi cho rằng, trước khi suy nghĩ đến việc phê duyệt, các cơ quan có thẩm quyền cần có những nhận định, bàn bạc kỹ lưỡng và có cái nhìn tổng thể để thực hiện”, vị này nói.
Trước những vấn đề trên, nói về nguồn vốn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE thông tin: “Chúng tôi không đưa ra bất kỳ ràng buộc nào khi triển khai dự án này với Hà Nội. Kể cả phía JVE hay Nhật Bản hay nhà đầu tư nào được khai thác kinh doanh từ công viên này. Vì đây là dịch vụ công ích nên Thành phố tự lập ban quản lý, người dân miễn phí cửa vào”.
Về vấn đề công viên sẽ được vận hành và duy trì như thế nào, đại diện JVE khẳn định, JVE sẽ cố gắng để chi phí duy trì xuống mức thấp nhất có thể và không đặt điều kiện cho thành phố để quản lý nguồn thu hoặc kinh doanh. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch thì thành phố sẽ thu làm công ích để có thể trang trải một phần chi phí như điện.