Bệnh viện dã chiến số 5 có quy mô 300 giường, đặt tại trụ sở làm việc ở khu I Trường Đại học Cần Thơ, thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều.
Bệnh viện dã chiến số 5 sẽ sử dụng tài khoản của Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP.Cần Thơ để hoạt động. Bệnh viện có nhiệm vụ đảm bảo vận hành đáp ứng khả năng thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ không triệu chứng.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng đề nghị Trường Đại học Cần Thơ có trách nhiệm bàn giao cơ sở vật chất và phối hợp các đơn vị có liên quan hỗ trợ triển khai hoạt động của bệnh viện.
Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt tiếp nhận cơ sở vật chất nêu trên, phối hợp các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân lực để vận hành bệnh viện đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Ông Phạm Phú Trường Giang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP.Cần Thơ - cho biết, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, vào đầu tháng 9 vừa rồi thành phố đã cho cho giải thể một số bệnh viện dã chiến và trả lại công năng ban đầu đối với một số cơ sở khám chữa bệnh được sử dụng để làm bệnh viện dã chiến.
Cũng theo ông Giang, khi dịch bệnh giảm, thành phố không chủ trương mở rộng thêm các bệnh viện dã chiến nữa, mà thay vào đó, sẽ chuyển sang phương án điều trị F0 tại nhà.
Nhưng những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng, các cơ sở điều trị quá tải, buộc Cần Thơ phải cho thành lập thêm bệnh viện dã chiến.
Theo báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ, trong ngày 10.12, thành phố ghi nhận 675 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới.
Trong số ca mắc mới, có 543 ca cách ly tại nhà, 79 ca trong khu cách ly, 8 ca trong khu phong tỏa, 44 ca tầm soát ở cơ sở y tế, 1 ca tầm soát trong cộng đồng. Tính chung từ ngày 8.7 đến nay, thành phố này đã có 36.220 ca nhiễm, trong đó có 18.511 ca khỏi bệnh và 292 ca tử vong. Hiện Cần Thơ có hơn 11.000 F0 đang điều trị tại nhà.