Số lượng hơn 60 tấn chứ không phải hơn 28 tấn
Tại buổi làm việc với UBND huyện Nông Cống, con số chính thức về lượng chất thải công nghiệp được đưa từ Ninh Bình vào Thanh Hoá đổ là hơn 60 tấn chứ không phải hơn 28 tấn như một số thông tin trước đó.
Cụ thể, tại hiện trường sáng 23.8, các lực lượng chức năng huyện Nông Cống và người dân ghi nhận một xe cẩu đang bốc dỡ chất thải từ xe tải đầu kéo BKS 36C-005.05 xuống đất, chất thải được đựng trong từng bao tải có trọng lượng khoảng 1 tấn/bao. Tổng trọng lượng chất thải xe này chở là 28.650kg (hơn 28,6 tấn). Trước đó, một xe tải đầu kéo khác mang BKS 36C-134.82 chở khối lượng chất thải nặng 32,340kg (hơn 32 tấn) đã bốc dỡ xong và đi về.
Nguồn gốc số chất thải công nghiệp này được xác định của một Cty chuyên sản xuất cửa cuốn, cửa nhựa, gỗ ván ép, dầu silicone, giăng, keo silicone dùng cho ngành xây dựng, sản xuất ôtô và đồ gia dụng có nhà máy sản xuất ở KCN Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình.
Cty này đã ký hợp đồng với Cty CP công nghệ dịch vụ sinh thái Đông Nam Á về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp. Theo đó, Cty CP công nghệ dịch vụ sinh thái Đông Nam Á sẽ thu gom chất thải rắn từ nhà máy của Cty ở Ninh Bình đi xử lý theo quy định của pháp luật. Cty CP công nghệ dịch vụ sinh thái Đông Nam Á là Cty mới thành lập có trụ sở tại thôn Vĩnh Trị 3, xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hoá do ông Nguyễn Đình Tuấn làm giám đốc.
Sau khi thu gom, Cty CP công nghệ dịch vụ sinh thái Đông Nam Á lại ký hợp đồng bán lại toàn bộ chất thải rắn trên cho Cty CP Môi trường và công trình đô thị Nông Cống do ông Trần Văn Hùng làm Giám đốc để Cty này xử lý, cụ thể là làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Chở chất thải hơn 100km chỉ để... san lấp mặt bằng?
Để có nơi xử lý hàng chục tấn chất thải này, Cty CP Môi trường và công trình đô thị Nông Cống đã ký một hợp đồng không ghi rõ ngày tháng với UBND thị trấn Nông Cống do ông Lê Văn Đồng – Chủ tịch UBND thị trấn đại diện.
Theo hợp đồng này, UBND thị trấn Nông Cống cho Cty CP Môi trường và công trình đô thị Nông Cống thuê 25.000m2 đất tại khoảnh 1, lô 3 thuộc khu vực núi Đầu Voi, khu phố Vũ Yên, thị trấn Nông Cống. Mục đích thuê là để phân loại rác thải; giá trị hợp đồng là 13 triệu đồng/năm, Cty phải nộp tiền mặt cho UBND thị trấn.
Theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư 36/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định 38 và Nghị định 40/2019/NĐ-CP thì việc xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ, trong đó có việc phải có cơ sở xử lý chất thải đạt chuẩn, có hệ thống, thiết bị xử lý... đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; địa điểm xử lý phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh...
Vậy nhưng Cty CP Môi trường và công trình đô thị Nông Cống – đơn vị trực tiếp xử lý hơn 60 tấn chất thải rắn công nghiệp dùng hàng chục tấn chất thải công nghiệp này làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đơn vị này cho rằng, đây là chất thải công nghiệp thông thường có thể làm vật liệu san lấp nên hành vi này không sai. Như vậy là một công đôi việc, vừa thực hiện hợp đồng xử lý chất thải vừa san lấp mặt bằng (?!).
Trao đổi với Lao Động, ông Mai Nhữ Thắng – Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho hay: “Bước đầu, chúng tôi tạm giữ các phương tiện, bảo quản hiện trường, đêm sẽ lấy bạt che số chất thải, tiến hành lấy mẫu đồng thời báo cáo Sở TNMT và các ngành liên quan để xin ý kiến xử lý. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm theo pháp luật nếu có sai phạm nhằm ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường”.