Dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi):

Tính phương án thu phí xả nhiều rác trả nhiều tiền

VƯƠNG TRẦN |

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp 47, sáng 12.8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Dự thảo luật đề ra lộ trình 5 năm để thực hiện việc thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại trước ngày 1.1.2025.

Thu phí xử lý rác thải dựa trên khối lượng phát sinh

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Phan Xuân Dũng cho biết, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân từ lúc phát sinh đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý là vấn đề bức xúc, cấp thiết đặt ra đối với hầu hết các khu vực đô thị và nông thôn hiện nay. Các quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng, bình quân theo đầu người như hiện nay.

Theo ông Dũng, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) và căn cứ điều kiện KT-XH của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác. Bộ trưởng Bộ TNMT hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Về lộ trình thực hiện, giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1.1.2025.

“Đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh, để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao” - ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Tạo ý thức cho người dân phân loại rác

Dự thảo quy định đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc sau: Dựa trên lượng chất thải đã được phân loại. Hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Đồng tình với việc xả rác nhiều thì phải trả phí nhiều, Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng cần phải sớm tạo ra lộ trình, lộ trình ngắn hơn trước năm 2025 để tạo ý thức cho người dân phân loại rác. “Khi kêu gọi phân loại rác thì người dân sẽ đồng tình. Nếu không quyết tâm thì lại lãng phí 5 năm, rác thải lại không được phân loại. Còn cái gì người dân phân loại bán được thì bán, cái gì thải gây ô nhiễm môi trường thì người dân có trách nhiệm phải trả phí, hai cái này là khác nhau” - ông Tuý nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ủng hộ quan điểm phải quy định phân loại rác thải từ nguồn từng hộ gia đình để tạo nếp chứ không phải đợi tới nhà máy mới phân loại. Tuy nhiên, muốn làm được phải có điều kiện, trong đó cần chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức cũng như có những cách thức tạo thuận lợi, khuyến khích người dân.

“Mỗi nhà có một cái thùng 3 ngăn với màu khác nhau, in chữ thì rất hay. Nhà ít rác thì sử dụng loại nhỏ. Muốn người dân có thói quen thì sản xuất, tiêu dùng sản phẩm này cũng phải tính đến để người dân quan tâm, rồi trở thành phong trào” - bà Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý và một lần nữa nhấn mạnh, cần quan tâm hơn công tác tuyên truyền giáo dục để mọi người được sống trong môi trường trong lành.

VƯƠNG TRẦN
TIN LIÊN QUAN

Sẽ thu phí xử lý theo kiểu "xả nhiều rác phải trả nhiều tiền" từ năm 2025

Vương Trần |

Dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đề ra lộ trình 5 năm để thực hiện việc thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại trước ngày 1.1.2025.

TPHCM: Đại lộ trung tâm nhếch nhác vì rác tràn lan

NGUYỄN PHƯƠNG |

Thời gian gần đây trên đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn qua địa bàn quận 5, TPHCM) xuất hiện tràn lan các điểm đổ rác sai nơi quy định, gây nhếch nhác và ô nhiễm môi trường.

Vĩnh Long: Rác thải ùn ứ, nhà máy nằm “đắp chiếu”

TRẦN LƯU - VĂN TRI |

Dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tình trạng ùn ứ rác thải ở Vĩnh Long vẫn nghiêm trọng, khiến người dân bức xúc…

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Vụ sập cầu Phong Châu, tìm thấy 1 thi thể trong xe tải dưới sông

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều 20.9, lực lượng chức năng trong quá trình trục vớt kết cấu cầu Phong Châu bị sập và phương tiện đã phát hiện 1 thi thể trong chiếc xe tải.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.