"Trả đũa"
Khi vừa nhấc máy và nghe thấy đầu dây bên kia nói “Em chào anh ạ, bên em đang chào bán căn hộ...”, anh Nguyễn Đình Việt (30 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lập tức đặt điện thoại sang 1 bên, úp màn hình xuống để cho đầu dây bên kia "thích nói gì thì nói".
Anh Việt cho biết đã quá quen với những cuộc gọi như vậy. Thời gian đầu, anh bực tức vì bị làm phiền, sau đó chặn các số này.
Có những khi đang ngủ trưa mà điện thoại đổ chuông vì những cuộc gọi rác, anh nổi cáu trong điện thoại.
“Lâu dần thành quen, giờ mình cứ ấn nghe máy rồi để đó cho họ tốn tiền cước điện thoại” – anh Việt nói.
Trong khi đó, anh Hoàng Đức Trọng (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, có lần, một người tự xưng là "cán bộ công an" nói anh liên quan đến đường dây lừa đảo, cần cung cấp số tài khoản và làm theo hướng dẫn để được “thoát án”.
“Vì biết rõ là cuộc gọi lừa đảo nên lần đó tôi quyết tâm thách thức các đối tượng đó”, anh Trọng kể.
Theo đó, anh Trọng tỏ ra hoảng sợ, nhờ đầu dây bên kia giúp đỡ và hứa sẽ làm theo tất cả những gì họ yêu cầu.
Sau khoảng 5 phút nói chuyện, anh Trọng cho đối tượng biết đã ghi âm toàn bộ cuộc gọi và sẽ gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra.
Ngay lập tức, đối tượng đổi giọng, dọa nạt anh Trọng: “Biết lừa đảo rồi sao còn nghe máy, tốn thời gian”.
Người này còn cho biết đã có hết thông tin cá nhân của anh Trọng và sẽ đăng tải lên các trang web đen.
Những nguyên tắc cần nhớ
Anh Việt, anh Hoàng không phải những người duy nhất thực hiện việc câu giờ khi thường xuyên bị làm phiền bởi những cuộc gọi rác.
Hiện nay, do bức xúc với những đối tượng này, nhiều người dân đã sử dụng cách câu giờ nhằm khiến cho các đối tượng vừa không đạt được mục đích, vừa tốn cước phí.
Theo ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam, khi nhận được một cuộc gọi rác, cách tốt nhất là nên cúp máy ngay lập tức.
Các đối tượng sẽ không thể lấy cắp thông tin của người dân nếu người dân chỉ nhấc máy, nói chuyện câu giờ. Thế nhưng, quá trình nói chuyện, người dân sẽ có thể bị dẫn dụ, đe doạ, bôi nhọ... Từ đó, gây ra các hệ luỵ khôn lường.
“Nếu trong quá trình nghe máy, người dân bị ảnh hưởng bởi những lời nói và làm theo các hướng dẫn của họ như: Tải tập tin độc hại, vào đường link lạ... thì rất có thể sẽ bị đánh cắp thông tin” – ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, khi nhận được gọi rác, người dân nên tắt máy và vào trang web chongthurac.vn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) để báo cáo các số điện thoại rác này.
Ngoài ra, người dân có thể tham khảo thêm trang web dauhieuluadao.com của Bộ Thông tin và Truyền thông để nắm bắt được những dấu hiệu lừa đảo online hiện nay.
Để tránh bị lừa đảo thông qua các cuộc gọi rác, người dân cần nắm rõ 3 nguyên tắc vàng. Đầu tiên là nguyên tắc “Chậm lại”. Bởi những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của người dân. Hãy dành thời gian và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu.
Thứ 2 là nguyên tắc “Kiểm tra tại chỗ”. Cần tìm hiểu thêm để xác thực thông tin bạn đang nhận được. Nếu nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy tra cứu số ngân hàng, cơ quan, hoặc tổ chức đang gọi đến và liên hệ lại trực tiếp.
Thứ 3 là nguyên tắc “Dừng lại, không gửi”. Không một cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán ngay tại chỗ. Vì vậy, nếu cảm thấy giao dịch này không đáng tin, hãy dừng lại.
Báo cáo 6 tháng đầu năm của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối 2022. Hai hệ thống tiếp nhận phản ánh của Bộ cũng nhận được 344.317 lượt phản ánh về cuộc gọi rác trong nửa đầu năm.