Những cựu binh trăn trở từng bức di ảnh cho các liệt sĩ không ai khác là ông Nguyễn Văn Tấn – Trường ban liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng. Bởi, hơn 7 năm qua, ông tự nhận thêm trách nhiệm liên lạc với 10 gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Quảng Nam và Đà Nẵng, cùng với đó là hàng trăm đầu mối của các đồng đội cũ ở Trường Sa.
“Có ban liên lạc, chúng tôi có điều kiện hoạt động. Hơn 20 trước đó, gần như chưa có ai kết nối với các gia đình liệt sĩ. Họ cô đơn lắm!” – ông Tấn chia sẻ.
Thế nhưng, kết nối rồi, đi tìm đến từng gia đình để thắp hương, ông Tấn và nhiều cựu binh mới ngỡ ngàng. Trên bàn thờ các gia đình là di ảnh của những thanh niên 19, 20 nhưng nếu không được chỉ dẫn, chẳng ai biết các anh là liệt sĩ!
Nghĩ vậy và không thể để mãi như vậy, ông Tấn bàn với ông Nguyễn Văn Tiến – một thành viên trong ban liên lạc tìm cách, phải “mặc áo” lại cho anh em mình.
“Họ đã chiến đấu và hi sinh vì Tổ quốc trong màu áo lính Hải quân Việt Nam, phải để họ sống mãi với màu áo đó”. Ông Tấn và ông Tiến bắt tay vào làm ngay, bắt đầu từ việc xin thỉnh di ảnh các liệt sĩ xuống để chụp lại, rồi nhờ người làm lại ảnh với chiếc áo Hải quân màu trắng xanh.
Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Bởi, việc thay di ảnh cho các liệt sĩ khiến nhiều gia đình băn khoăn.
Kể đến đây, ông Tấn lục tìm trong điện thoại một tấm ảnh rồi mới kể tiếp, ông Tấn cho hay: “Di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường ở Quảng Nam là một bức hình hoạ. Anh em ra đi khi tuổi còn trẻ, không phải ai cũng có được bức ảnh chụp. Chúng tôi tới, xin thay ảnh cho anh, gia đình xúc động nhưng sợ rằng anh về sẽ không nhận ra mình”.
Thế nhưng, ông Tấn quyết làm vì với ông, việc làm ấy là trả lại đúng màu áo cho anh em kia mà. Các anh đã hi sinh trong màu áo ấy thì các anh sẽ sống mãi với tư thế người lính.
Ngày mang di ảnh liệt sĩ Cường vào, gia đình không ai dám thay, ông Tấn xin phép đứng khấn trước bàn thờ với hai đồng xu âm dương trong tay.
“Tâm mình nghĩ sao, mình làm gì thì mình khấn như vậy, khấn có cả gia đình anh Cường nghe” – ông Tấn kể.
Sự xúc động của người cựu binh Trường Sa vẫn còn nguyên vẹn khi kể lại những câu chuyện. Bao năm lặn lội đi thay ảnh, làm lễ câu siêu, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ khó khăn, ông Tấn đọc vanh vách từng địa chỉ cũ, địa chỉ mới.
Hỏi ông, những gia đình liệt sĩ Gạc Ma còn có ở đâu, ông bấm tay vừa đọc vừa đếm cho đủ 64 người ở mỗi tỉnh thành.
Ông Tấn chia sẻ: “Tâm nguyện của tôi và anh em là có thể thay di ảnh với màu áo hải quân cho tất cả 64 liệt sĩ. Đó là điều có thể quá sức, nhưng tôi vẫn cứ để trong lòng và luôn nhớ về điều đó, biết đâu “các anh” sẽ giúp mình. Tôi tin, mỗi bước chân tôi đi, mỗi việc tôi làm, luôn có các anh em ở phía sau giúp sức”.
Những ngày càng gần 14.3, điện thoại của ông Tấn rung lên liên hồi. “Nào là đồng đội cũ, người thân các liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng, Quảng Nam, rồi báo chí cũng gọi hỏi giỗ các anh năm nay có làm gì không?
Bận nhưng mà mừng lắm, vì càng ngày càng có nhiều người nhớ đến anh em. Dù là giỗ lớn hay nhỏ, những năm nay tiếng Gạc Ma đã ấm áp chứ không chỉ là nỗi đau” – ông Tấn vui vẻ nói.
Quả thật, nhờ có những người như ông Tấn và nhiều cựu binh Trường Sa trên cả nước, ngày 14.3 hàng năm đã không còn là ngày giỗ của 64 gia đình liệt sĩ mà hàng triệu người dân Việt Nam đã cùng nhau nhắc cùng ghi nhớ một “vòng tròn bất tử” Gạc Ma và hình ảnh những người lính Hải quân tuổi đôi mươi nằm lại nơi biển trời Tổ quốc.
Ngày 14.3.1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma – quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Hiện nay, có 9 gia đình liệt sĩ đang sống tại Đà Nẵng, một gia đình liệt sĩ ở Quảng Nam.