Những cánh tay nối dài, hỗ trợ công an
Mô hình “8 trong 1” là sự phối hợp của 8 lực lượng tại địa phương gồm, cảnh sát khu vực cùng các đoàn thể chính trị - xã hội để theo dõi, giúp đỡ 1 đối tượng người sau cai.
Theo Trưởng Công an phường Hải Châu 2 Nguyễn Đức Bình, mỗi người sau cai khi về địa phương, Công an phường tổ chức làm việc giữa 8 lực lượng, lập hồ sơ theo dõi, thường xuyên tổ chức gặp mặt, quan tâm, động viên. Hiện nay, mô hình đang quản lý 24 đối tượng.
Anh Nguyễn Đức Bình cho biết, qua việc thường xuyên theo dõi, hỗ trợ về học nghề, giới thiệu việc làm, trao sinh kế… nhiều người đã tiến bộ, có công việc ổn định, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Hơn nữa, các đối tượng đã được cảm hóa, tiến bộ tại địa phương là những cánh tay nối dài, hỗ trợ công an trong vấn đề nắm bắt thông tin tội phạm tại địa bàn, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Là một trong những trường hợp tiến bộ từ mô hình “8 trong 1”, anh L.H.T. (SN 1991, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) biết ơn sự động viên, hỗ trợ kịp thời của cảnh sát khu vực và cán bộ ở khu dân cư đã giúp anh lấy lại niềm tin và ý chí để trở thành người có ích cho xã hội.
Theo lời kể của anh L.H.T., trước đây, gia đình anh rất khó khăn, công việc bấp bênh, tâm lý tuổi trẻ bốc đồng nên anh bị bạn bè rủ rê vào con đường nghiện ngập. Anh L.H.T. đã mất 5 – 6 năm cai nghiện, trở về địa phương với 2 bàn tay trắng và một tương lai vô định.
Thời điểm đó, anh L.H.T. may mắn khi được công an phường và cán bộ phường cũng như người dân trong tổ dân phố thường xuyên động viên, chia sẻ và hỗ trợ sinh kế là chiếc xe máy để đi làm, đã giúp anh quyết tâm thoát khỏi ma túy.
“Sau này, khi tôi lập gia đình gặp khó khăn, chính quyền phường tiếp tục hỗ trợ để vợ tôi có thêm thu nhập. Bây giờ, gia đình tôi đã đón thêm 2 thành viên mới, cuộc sống đã ổn định hơn” - anh T. nói.
Hình thành những suy nghĩ tích cực
Trong khi đó, tại phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) trong nhiều năm qua, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn luôn địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch phường Vĩnh Trung Trần Lê Bích Ngọc, UBND phường và mặt trận, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường phân công cán bộ, hội viên thường xuyên gặp gỡ, động viên, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tiến bộ sớm hòa nhập vào cộng đồng.
“Các đoàn thể chính trị - xã hội luôn dành sự quan tâm, động viên và nắm bắt tâm lý của những người sau cai. Điều này sẽ giúp người sau cai nghiện thấy bản thân được cảm thông, chia sẻ, dần hình thành những suy nghĩ tích cực, chủ động tránh xa những người sử dụng ma túy, qua đó hạn chế nguy cơ tái nghiện.
Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về ma túy và những tác hại do ma túy gây ra” - bà Ngọc cho biết.
Vừa qua, phường Vĩnh Trung đã có đề xuất hỗ trợ sinh kế cho 2 người sau cai tiến bộ là T.Đ.T (SN 1989) và L.H.N (SN 1998) số tiền 10 triệu đồng để tạo việc làm.
“Với tôi, đây là sự động viên vô cùng lớn của địa phương. Bản thân rất trân trọng cơ hội này để tôi quyết tâm có cuộc sống ổn định hơn và không phụ sự tin tưởng của gia đình và các cán bộ dành cho mình”, L.H.N chia sẻ.
Theo ông Lương Vĩnh Thái, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động Thương binh và xã hội), thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện bằng nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người nghiện rời xa ma túy, vươn lên ổn định cuộc sống.
Các học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất, được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục.
“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các quận, huyện, xã, phường và các cơ quan có liên quan. Sở sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tự nguyện, quản lý sau cai nghiện.
Đồng thời, tăng cường tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội sau cai nghiện, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ vay vốn... cho người nghiện có hoàn cảnh khó khăn, đủ điều kiện” - ông Thái cho biết.