Hơn 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người nghèo tăng do COVID-19
Có ý kiến thảo luận về nội dung phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đại biểu Trần Thắng Lợi, Bí thư quận Sơn Trà chỉ rõ, dịch bệnh COVID-19 đã khiến kinh tế - xã hội Đà Nẵng chịu thiệt hại nặng nề. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP giải thể là 1.029 doanh nghiệp, 1.936 doanh nghiệp khác tạm dừng hoạt động. Đối với quận Sơn Trà, là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch thì hầu hết các khách sạn, nhà hàng đều tạm ngưng hoạt động kinh doanh, đã có 371 doanh nghiệp giải thể, 260 doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh và gần 4.266 hộ kinh doanh tạm nghỉ.
Tất cả điều này đã tác động lên đời sống người dân thành phố, đặc biệt là đối tượng yếu thế gặp nhiều khó khăn. Số lượng lao động ngừng việc, chấp dứt hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương tăng cao. Tính đến ngày 31.11 có 90,6% doanh nghiệp và hơn 191.500 lao động bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch.
“Riêng với quận Sơn Trà sẽ phải phát sinh thêm 115 hộ nghèo và 69 hộ cận nghèo. Tôi đề nghị TP cần quan tâm hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được tiếp cận nhanh với các cơ chế chính sách hỗ trợ về miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất ngân hàng, tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu để có thể trụ vững, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, chúng ta cần triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình thành phố 4 an, nhất là an ninh trật tự và an sinh xã hội. Bởi, khi đời sống khó khăn dễ phát sinh tệ nạn, nhất là ăn trộm vặt” - đại biểu Thắng Lợi nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đức Trị, quận Cẩm Lệ cho rằng, trước hết, TP phải khảo sát đánh giá lại toàn bộ doanh nghiệp để thấy được bức tranh thực chất, toàn diện về sức khoẻ của doanh nghiệp. Từ đó đề ra những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cũng như sự nhận định, dự báo đúng đắn về tăng trưởng GDP và thu nhân sách TP trong năm tới. Bởi, năm 2021 sẽ là năm tiếp tục khó khăn của ngành du lịch, dịch vụ, chưa thể hồi phục lại được.
Du lịch khó khăn thì làm việc khác
Ghi nhận những ý kiến trên, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND Đà Nẵng trao đổi thẳng thắn: “Du lịch khó khăn thì làm việc khác để vực dậy kinh tế TP”. Ông Trung chỉ ra, lĩnh vực xây dựng là đầu tư công nhưng đến nay TP giải ngân chỉ trên 40%. Vậy chúng ta cần phân tích nguyên nhân tác động từ thủ tục, nhà thầu, giải phóng mặt bằng. Mà thực tế, giải phóng mặt bằng TP chỉ giải ngân 20%, dù phân cấp cho quận huyện rồi nhưng khi thực hiện không đúng kế hoạch cũng không biết ai chịu trách nhiệm. Có dự án từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn im ắng.
Trường cơ sở Hoà Vang dự kiến khởi công năm 2021 mà đến nay chưa bàn giao mặt bằng thì làm sao làm. Thủ tục giấy tờ thì chuyển từ sở này qua sở khác một cách thiếu trách nhiệm. Nhà thầu thì có những nơi năng lực tài chính kém nhưng vẫn trúng thầu, nơi năng lực thi công không có, lúc đi kiểm tra thì đem ra vài chiếc xe chạy rồi thôi.
“Tất cả những điều này đã được họp bàn nhiều, đoàn đại biểu quốc hội cũng kêu, nhưng chúng ta giải quyết đến đâu? HĐND ban hành nhiều nghị quyết chính sách nhưng liệu có đi vào cuộc sống hay không? Trong khi đó, những con số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động lại chính là thước đo của nền kinh tế và lao động. Chúng ta cứ nói TP thông minh và cải cách hành chính như sự tiếp cận của doanh nghiệp đến đâu mới là quan trọng” - ông Trung đưa ra ví dụ cụ thể.
Trao đổi tại thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Tiến, quận Hải Châu đưa ra giải pháp. Hiện nay, TP đã lập xong điều chính quy hoạch chung, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai, tạo động lực phát triển cho TP thời gian đến.
Ông Tiến phân tích, để tăng trưởng 9 đến 10 % GDP thì tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội cần 260.000 đến 270.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách là 50 đến 60.000 tỉ đồng, còn lại là vốn ngoài ngân sách. Đây là con số rất lớn. Qua phân tích các chuyên gia, trong vốn ngoài ngân sách thì tập trung lớn vào công nghiệp xây dựng. Như vậy, đây là 1 trong cái cần tập trung chứ ý để góp phần tăng trưởng cho GDP. Mà để làm được điều đó cần triển khai ngay kế hoạch thực hiện quy hoạch chung, trong đó có phần lập quy hoạch phân khu, xác định cho được mục đích sử dụng đất từng khu vực để làm nền tảng thu hút nhà đầu tư.
“Vừa qua chúng ta cũng đã lập những khu công nghiệp Hoà Ninh, Hoà Nhơn, Hoà Cầm và các cụm công nghiệp, đây là sự chuẩn bị hạ tầng để thu hút đầu tư thì phải đẩy nhanh trong thời gian đến. Để làm được phải rà soát lại các cơ chế pháp lý, các điều kiện để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận. Đà Nẵng còn có thế mạnh về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin, trong quy hoạch chung đã khoanh vùng khu vực rồi thì triển khai ngay, xây dựng hệ thống cơ sở chính sách để làm nhanh.
Chúng ta còn có cụm phát triển thương mại, dịch vụ, hiện nay nhiều nhà đầu tư chú trọng việc phát triển dịch vụ trung tâm. Trong thời gian đến, nếu triển khai đồng loạt quy hoạch thì nó sẽ tăng trưởng trong công nghiệp xây dựng, tạo đột phá cho ngành kinh tế trong thời gian đến” - ông Tiến kiến nghị.