Nâng cao công tác quản lý di sản
Tại Bảo tàng Đà Nẵng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng “Bản đồ di sản số”. Tại đây, gần 60 di tích trên địa bàn thành phố được số hóa thông tin, hình ảnh, địa chỉ, video… truyền tải trực quan đến công chúng.
Đây là công cụ rất tiện lợi đối với những người yêu thích văn hóa và muốn tìm hiểu về những di sản tại Đà Nẵng. Việc tích hợp toàn bộ thông tin trong website giúp người dân dễ dàng tìm kiếm về di sản.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, trong lĩnh vực quản lý di sản bảo tàng đã số hóa 2D, 3D các di sản trên địa bàn, tích hợp trong “Bản đồ di sản số”. Đây là giải pháp hữu hiệu quảng bá hình ảnh di sản đến công chúng, đồng thời là kho lưu trữ toàn bộ và thường xuyên cập nhập các thông tin liên quan đến từng di tích.
"Từ đó, nâng cao công tác quản lý di sản và giúp thành phố, ngành văn hóa thêm dữ liệu để thực hiện các giải pháp khi trùng tu di tích, di sản" - ông Thiện cho biết.
Đối với việc phục vụ người dân đọc sách, thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ chatbox để trả lời trực tiếp với người dân và du khách; ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để thông tin hoạt động đơn vị.
Bên cạnh đó, thư viện triển khai đăng ký thẻ bạn đọc và gia hạn sách online; cung cấp nguồn tài liệu, sách điện tử, sách địa chỉ số hóa trên hệ thống các cơ sở dữ liệu của thư viện đến với bạn đọc và du khách. Ngoài ra, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn đã dùng chung phần mềm liên thông, qua đó, người dân có thể mượn, trả sách bất kỳ thư viện tại các quận, huyện.
Theo bà Lê Thị Bích Phượng - Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, ngày nay, thư viện không còn là nơi lưu trữ sách, báo mà là nơi người dân có thể chia sẻ, tiếp cận và được cung cấp thông tin.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa nói chung và lĩnh vực thư viện nói riêng đã tạo điều kiện cho bạn đọc, du khách tiếp cận nguồn tài liệu tại thư viện một cách nhanh chóng.
Sản phẩm du lịch số ấn tượng
Là địa phương tiên phong trong công tác chuyển đổi số, du lịch Đà Nẵng liên tục cho ra mắt các sản phẩm du lịch số ấn tượng đến với người dùng như Ứng dụng công nghệ VR360 - "Một chạm đến Đà Nẵng" hướng tới chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, sàn thương mại điện tử và Hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasticity...
Đối với sàn thương mại điện tử, đây là một trong những giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, chống thất thu thuế, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và tăng doanh thu cho doanh nghiệp thông qua tiếp cận nhiều du khách. Các đối tượng tham gia sàn thương mại điện tử gồm du khách, đại lý du lịch, cơ quan Nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Tán Văn Vương, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch - một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành, thời gian qua, Sở Du lịch đã tập trung đẩy mạnh các công tác chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả.
Để cung cấp thông tin du lịch về TP Đà Nẵng đến du khách, Sở Du lịch đã xây dựng cổng thông tin du lịch cũng như các ứng dụng hay trang mạng xã hội. Qua đó, có thể quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã sử dụng công nghệ AI để cung cấp thông tin và trả lời khi du khách hỏi đáp về các thông tin du lịch. Nền tảng AI, công cụ Chatbots (nói chuyện tự động) trở thành nhân viên tư vấn vô cùng đắc lực cho các công ty du lịch.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Tán Văn Vương cho biết thêm, đối với các điểm tham quan, Sở Du lịch đã số hóa 28 điểm tham quan giúp du khách trong và ngoài nước có thể tìm hiểu trước khi trải nghiệm.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với các sở như Sở Văn hóa Thể thao để số hóa các di tích, tích hợp cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin đầy đủ đến khách tham quan.