Vào tháng 10.2019, tại một hội nghị phòng chống tội phạm về ma túy, lãnh đạo TPHCM đã đề nghị các sở ngành nghiên cứu quy định pháp luật để lắp camera trong các quán bar, vũ trường nhằm tằng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm ma tuý.
Thực hiện chỉ đạo này, mới đây, ngày 9.12, trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khoá IX, Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TPHCM cho biết lãnh đạo TPHCM đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hình thức lắp camera tại các quán bar, vũ trường và karaoke trên địa bàn quận 1 và quận 3.
Hình thức giám sát bằng camera không phải là mới trong các giải pháp quản lý trật tự xã hội của TPHCM. Trước đó, "đầu tàu" kinh tế cả nước từng dự định lắp 10.000 camera trên toàn thành phố trong giai đoạn 2019 - 2025.
Ngày 10.12, trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia tội phạm học, trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, đây là lần đầu tiên ông được nghe về giải pháp lắp camera trong vũ trường, quán bar để phát hiện tội phạm.
"Trước hết phải khẳng định, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện lắp đặt camera giám sát là một hình thức đem lại nhiều hứa hẹn. Bởi nếu khả thi, các bằng chứng vi phạm pháp luật sẽ được hệ thống lưu lại, phục vụ cho công tác điều tra, trấn áp.
Đồng thời, lắp đặt camera trong các tụ điểm này sẽ có tác dụng răn đe, tác động trực tiếp tới tâm lý. Khi các đối tượng biết hành vi của mình có thể bị lưu lại hình ảnh thì sẽ không dám thực hiện hành vi phạm tội đó nữa".
Tuy nhiên, theo trung tá Đào Trung Hiếu, rào cản lớn để áp dụng trên thực tiễn hình thức này chính là sự hợp tác của các chủ cơ sở quán bar, vũ trường.
"Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp, khách chơi sử dụng ma tuý trong quán bar, vũ trường và karaoke nhưng vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ quán làm ngơ, thậm chí còn cử người đứng ra cảnh giới. Khi được yêu cầu trích xuất camera thì chủ cơ sở nói không gắn hoặc thiết bị hỏng hóc, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng" - chuyên gia Hiếu nói.
Nói về cơ sở pháp lý của việc lắp camera trong quán bar, vũ trường, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng. "Để hoạt động này đi vào thực tiễn thì cần xây dựng những quy định pháp luật xung quanh nó.
Mục đích chính nhằm kiểm soát tốt hình ảnh thu được từ hệ thống camera. Tiêu chí đặt ra phải vừa bảo đảm cho việc quản lý an ninh trật tự, vừa bảo đảm cho quyền riêng tư về hình ảnh cho người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như pháp luật đang bảo vệ" - luật sư Cường cho biết.
Trước đó, tháng 10.2019, tại buổi cung cấp thông tin về tình hình tội phạm ma tuý, Công an TPHCM cho biết đã khám phá 1.278 vụ án ma túy, bắt gần 3.000 đối tượng. Lực lượng chức năng thu giữ 331 kg heroin, gần 1,3 tấn ma túy tổng hợp các loại.
Thượng tá Phùng Văn Đẳng - Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04, Công an TPHCM) cho biết, PC04 thường xuyên có sự phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra quán bar, vũ trường. Trong nhiều lần kiểm tra, ma tuý được phát hiện nhưng khó xác định được chủ nhân.
"Công an TP.Hồ Chí Minh còn phát hiện nhiều trường hợp chủ nhà hàng quán bar có dấu hiệu cấu kết với các đối tượng ma túy để báo động khi lực lượng chức năng tới làm việc khiến cho công tác đấu tranh phòng chống ma túy cũng gặp nhiều trắc trở" - thượng tá Đẳng nói.
Hiện hoạt động triển khai thí điểm lắp camera ở vũ trường quán bar mới được thông tin từ Giám đốc Công an TPHCM. Ngày 10.12, phía Sở Thông tin - Truyền thông - đơn vị chủ trì của đề án camera giám sát toàn thành phố nói với PV Lao Động rằng "chưa nắm được thông tin về việc thí điểm này". Trong khi đó, nhiều vấn đề như cơ chế vận hành, giám sát, phối hợp thực hiện và đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho hệ thống này chưa được công bố.