Liên tục bị phản đối
Ngày 27.3, ông Nguyễn Xuân Quyền – Trưởng Phòng TNMT huyện Hương Khê cho biết, hiện dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Hương Khê tại xã Hương Thủy vẫn chưa thể thi công do một bộ phận người dân xóm 1 xã Hương Thủy và xóm Phú Cường xã Gia Phố phản đối.
Mặc dù, địa điểm thực hiện dự án đã được khảo sát kĩ, được Viện Công nghệ Môi trường – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ môi trường Việt Nam đánh giá là “phù hợp, đảm bảo tất cả các yếu tố về môi trường và kinh tế xã hội”.
Đáng nói, từ năm 2016, huyện Hương Khê đã khảo sát tìm địa điểm thực hiện dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thế nhưng, đến nay đã qua 3 lần lựa chọn địa điểm vẫn bị một bộ phận người dân phản đối.
Trước việc chậm triển khai dự án theo tiến độ, ông Quyền cho biết, huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Theo ông Quyền, do chậm triển khai dự án nên thời gian qua, huyện Hương Khê đã phải hợp đồng thuê vận chuyển rác vào Quảng Bình hoặc ra Nghệ An để xử lý, rất tốn kém ngân sách với đơn giá hơn 1 triệu đồng/tấn.
Ông Ngô Xuân Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho hay, theo nắm bắt của xã thì việc thi công dự án Khu xử lý chất thải rắn ở địa bàn xã này sẽ còn gặp khó khăn do một bộ phận người dân tiếp tục phản đối.
Tại huyện Đức Thọ, ông Thái Sơn Vinh – Trưởng Phòng TNMT cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng Khu xử lý rác bằng công nghệ lò đốt ở xã Đức Hòa đi vào hoạt động từ tháng 3.2018 thì một bộ phận người dân phản đối vì không đảm bảo khoảng cách với khu dân cư.
Mỗi lần xe chở rác vào khu xử lý là bị dân chặn lại. Sự việc từ đó đến nay, huyện phải hợp đồng thuê vận chuyển rác vào Nhà máy xử lý Hoành Sơn (Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), có thời điểm vào Quảng Bình, hoặc ra Nghệ An xử lý rất tốn kém ngân sách.
“Riêng năm 2019 huyện chúng tôi phải thuê vận chuyển, xử lý gần 2.000 tấn với chi phí hơn 2,5 tỉ đồng” – ông Vinh cho hay. Hiện nay, theo ông Vinh, bình quân mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt của toàn huyện Đức Thọ sau khi đã phân loại là hơn 10 tấn/ngày.
Áp lực xử lý rác ngày càng lớn
Ông Đặng Hữu Bình – Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TNMT Hà Tĩnh cho biết, năm 2019, toàn tỉnh lượng rác phát sinh khoảng hơn 250.000 tấn/năm (tương đương 687 tấn/ngày), trong đó lượng rác thu gom, vận chuyển, xử lý được khoảng hơn 182.000 tấn (tương đương 500 tấn/ngày), đạt 72,9%. Theo tính toán, năm 2020, lượng rác phát sinh toàn tỉnh khoảng 722 tấn/ngày, do vậy yêu cầu đặt ra về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý càng cấp bách hơn.
Trong khi, hiện các khu xử lý chưa đáp ứng được lượng rác phát sinh, đặc biệt là ở khu vực phía bắc như các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà chưa có khu xử lý đảm bảo nên còn tình trạng rác vứt bừa bãi, gây ô nhiễm, mất cảnh quan.
“Đúng là việc thực hiện dự án Khu xử lý chất thải rắn ở một số địa phương đang gặp khó khăn vì tâm lý của người dân không muốn đưa rác thải nơi khác về địa bàn mình” – ông Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, hiện Sở TNMT đang xây dựng Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” với 2 phương án, có thể xây dựng Nhà máy điện rác ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên với công suất xử lý 500 tấn/ngày, hoặc Nhà máy điện rác ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh với công suất 300 – 500 tấn/ngày.