Nước sạch vẫn chưa sạch
Theo ghi nhận của PV Lao Động, mặc dù sử dụng nước máy nhưng hầu hết các hộ gia đình ở Hữu Bằng phải dùng từ 2-3 hệ thống lọc nước để sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống. Thậm chí, dù lo ngại nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nhưng người dân vẫn phải dùng, bởi với họ có còn hơn không.
Tại phần lớn nhà dân, nước từ nhà máy sẽ chảy vào bể ngầm qua một hệ thống lọc, sau đó được bơm lên một hệ thống lọc thứ 2 trên nóc nhà để dùng cho sinh hoạt. Nước để ăn phải tiếp tục chạy qua một hệ thống lọc khác nữa ở trong nhà.
Nhận thấy nguồn nước cung cấp không đảm bảo vệ sinh, anh Nguyễn Hữu Thống - người dân xã Hữu Bằng quay về sử dụng nước giếng khoan dù nhiều lần nghe cảnh báo từ chính quyền địa phương về việc trong nước có một số chất có hại cho sức khỏe vượt quá mức quy định.
Cũng theo anh Thống, để có nước sinh hoạt sạch hơn, gia đình anh phải lọc nước qua cát sỏi. Sau đó, nước còn phải qua một bộ lọc RO anh mới dám dùng để ăn uống. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, cát lọc rơi vào tình trạng ố màu, còn lõi lọc thay nửa tháng lại vẩn đục.
Chật vật xây bể cát lọc nước cho gia đình, bà Nguyễn Hoa Mai (đường Ủy Ban, xã Hữu Bằng) chia sẻ: "Nguồn nước ngầm bị nhiễm sắt, nuớc thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất... nhưng không dùng thì chúng tôi không biết lấy nước ở đâu. Tôi rất mong nhà nước tạo điều kiện cho xã có nguyên vật liệu lọc nước hoặc có nguồn cung cấp nước sạch khác cho người dân".
Theo bà Mai, gia đình bà phải đào giếng sâu đến 80m mới có nước, sau khi đào lại phải sử dụng hệ thống lọc khá tốn kém. Tuy nhiên, nếu không qua bể lọc thì nước sẽ có mùi tanh. Nước để nấu ăn phải lọc tới 3 lần mới sử dụng được.
Hệ thống xử lý nước xuống cấp
Được biết, nhà máy nước sạch của xã Hữu Bằng do Công ty TNHH Thương mại Bình Dương đấu thầu quản lý vận hành và bán nước cho dân từ năm 2010. Cuối năm 2017, TP.Hà Nội đã có chủ trương xã hội hóa đầu tư nước sạch cho 10 xã làng nghề bị ô nhiễm nước tại huyện Thạch Thất, trong đó có xã Hữu Bằng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hiện nay hệ thống xử lý của nhà máy nước sạch xuống cấp. Tất cả công đoạn lọc và xử lý nước được giao phó hoàn toàn cho bể lọc cát.
Trong khi đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tại “đất trăm nghề” ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước ngầm.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Bùi Văn Lan - đại diện trạm cấp nước xã Hữu Bằng cho biết, nhận thấy nguồn nước do đơn vị cung cấp không đảm bảo vệ sinh, nhà máy cũng đã có sự thay đổi, đầu tư hệ thống xử lý mới, bộ phận giám sát chất lượng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, nước sạch vẫn chưa sạch.
Trước đó, việc ngoại kiểm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội CDC thực hiện tối thiểu 1 lần/năm và nội kiểm do Công ty TNHH Thương Mại Bình Dương thực hiện cho thấy, chất lượng nước của nhà máy không đạt. Cụ thể, chỉ số hàm lượng Pecmanganat: 3,3mg/l cao hơn 1,5 lần giới hạn cho phép. Đặc biệt, nhà máy nhận được khuyến cáo “Khi chưa khắc phục được các chỉ tiêu không đạt thì khách hàng không sử dụng nước cho ăn uống”.
Theo định hướng Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3.2013, xác định ưu tiên nước mặt và dần thay thế nguồn nước ngầm. Quy hoạch nước sạch và vệ sinh thiên nhiên và môi trường nông thôn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt cũng định hướng các xã: Phùng Xá, Hữu Bằng, Lại Thượng, Phú Kim đấu nối sử dụng nguồn nước sạch sông Đà (dự kiến thời hạn triển khai 2021 - 2030) .
Sở Xây dựng Hà Nội theo đó đã đề nghị Công ty TNHH thương mại Bình Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT phối hợp với Công ty TNHH Đồng tiến thành Hà Nam khớp nối hệ thống mạng cấp nước giữa các dự án nhằm sớm thay thế hoàn toàn nguồn nước ngầm tại trạm cấp nước hiện có bằng nguồn nước sạch sông Đà.