Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 2481/KH-SYT triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) trên địa bàn Thành phố. Thời gian thực hiện từ tháng 6.2022.
Hà Nội phấn đấu hơn 95% các đối tượng thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2 được tiêm chủng vaccine COVID-19; bảo đảm an toàn công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân.
Đối tượng tiêm chủng bao gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc hai nhóm sau: có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng và thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 gồm cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp và các đối tượng khác theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Hà Nội sẽ triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) đồng loạt trên toàn thành phố; bảo đảm tỉ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng, tiếp cận công bằng và tiêm chủng miễn phí cho tất cả các đối tượng.
Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 trong tháng 6. Sở Y tế đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vaccine trong tháng 6.
Các địa phương cần xác định số lượng cụ thể người dân đăng ký tiêm mũi 4 để tỉnh có cơ sở đăng ký với Trung ương. Các huyện, thành phố cần tăng cường tuyên truyền về hiệu quả, tác dụng của vaccine đến từng người dân để người dân hiểu đúng, đồng ý tiêm phòng theo quy định.
Để tỉ lệ tiêm vaccine mũi 4 đảm bảo theo yêu cầu, tỉnh tập trung tiêm cho lực lượng Công an, quân sự, y tế, công nhân viên chức, người lao động, công nhân tại khu - cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… Những đơn vị không chấp hành và có xảy ra dịch bệnh sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Tại Quảng Trị, để nâng cao tỉ lệ trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 thời gian tới, ngành y tế Quảng Trị đang tập trung triển khai nhiều giải pháp. Tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp, do tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát dẫn đến tâm lý chủ quan của nhiều người dân. Bên cạnh đó, số lượng trẻ trong danh sách trì hoãn do mắc COVID-19 còn nhiều. Để thực hiện tốt công tác tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi, Sở đang tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, việc tiêm vaccine COVID-19 chưa đủ cơ sở bắt buộc; việc tiêm mũi 3 và mũi 4 cũng không bắt buộc mà dựa trên tinh thần tự nguyện.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày trên cả nước đã giảm sâu song người dân không nên chủ quan. Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong.
Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ...
Đến thời điểm này, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều vẫn được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo phòng bệnh, do vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với những tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.