Có 1 tháng để tháo dỡ
Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; Thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15.11. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Giang cũng đề xuất UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày UBND tỉnh có ý kiến chính thức.
Trước đó, khi làm việc với đoàn kiểm tra hôm 7.10, chủ đầu tư chỉ cung cấp cho đoàn công tác một bộ bản vẽ thiết kế, chưa qua thẩm định, ngoài ra, không có thêm một tài liệu nào khác. Chủ đầu tư báo cáo, hiện gia đình mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất xây dựng, thổ cư.
Sở VHTTDL Hà Giang khẳng định cơ sở này nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ danh thắng Mã Pì Lèng. Nhưng đối chiếu với quy định quản lý của Đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, nhà hàng Panorama nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu và chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.
Được biết, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phương án tháo dỡ là dựa theo khuyến nghị của chuyên gia UNESCO là xây dựng điểm dừng chân ngắm cảnh Mã Pì Lèng phục vụ du khách, đồng thời thực hiện theo quy định quản lý xây dựng đối với vùng này là không được xây quá 3 tầng.
Nếu không kiểm soát, thiệt hại sẽ không chỉ tính bằng tiền
Nếu đề xuất của Sở Xây dựng Hà Giang được thực thi, đối tượng chịu thiệt thòi, trước hết là bà chủ Vũ Ngọc Ánh. Khi làn sóng “tẩy chay” nhà hàng Panorama lên cao, bà Ánh chia sẻ: “Có một nhà báo hỏi tôi, nếu người ta thu hồi chỗ này của chị, chị thấy như nào?”. Tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế, vì toàn bộ tài sản của tôi đều ở đây rồi”.
Đó là cách nói trong lúc không kiểm soát được cảm xúc của bà Ánh. Nhưng thực tế, như những gì bà chủ của Panorama chia sẻ, thì nếu lường trước được sự việc, bà đã chỉ để lại mảnh đất...
Bây giờ, đã có đề xuất Panorama sẽ phải tháo dỡ 6 tầng nhô ra sông Nho Quế. Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn tài sản bà Ánh đã đầu tư vào đó sẽ gần như... tan thành mây khói. Panorama Mã Pì Lèng chỉ còn là địa điểm dừng chân với việc kinh doanh những mặt hàng đơn giản chứ không còn phòng nghỉ như trước đây.
Thực tế, với Panorama - giải pháp cải tạo thay vì tháo dỡ toàn phần đã được nhiều ý kiến đưa ra. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, chính quyền huyện Mèo Vạc - những người trực tiếp quản lý danh thắng cần có trách nhiệm để Mã Pì Lèng không thể có thêm một lần bị rơi vào tình cảnh những “sự cố - sự đã rồi” như trường hợp Panorama, rồi phải đi tìm, bàn cách khắc phục...
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, dọc theo con đường hạnh phúc nối 2 thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, có rất nhiều trạm dừng chân đã được xây dựng và đang xây dựng. Tuy nhiên, các công trình không lớn, quy mô như Panorama Mã Pì Lèng. Điều đáng nói ở đây là nếu không có sự giám sát chặt chẽ thì sẽ có nhiều cơ sở như Panorama mà huyện Mèo Vạc không thể kiểm soát được, lúc ấy thiệt hại sẽ không chỉ tính bằng tiền. Có thể sẽ có những khó khăn trong việc kêu gọi các nhà đầu tư, phát triển du lịch từ chính cách quản lý của họ...
Chiều 9.10, cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang đã có cuộc họp khẩn xem xét, xử lý sự việc 4 người đàn ông khỏa thân trên đèo Mã Pì Lèng. Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hoài - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang - cho biết: “Sở đã nắm bắt thông tin vụ việc. Chúng tôi thấy trên mạng xã hội đăng tải những hình ảnh phản cảm của một nhóm người. Chúng tôi họp, kiểm tra và tìm hiểu thông tin về những người này để có căn cứ để đưa ra phương án xử lý. Với tư cách là công dân Việt Nam, tôi rất bức xúc khi nhìn thấy hình ảnh phản cảm của mấy người đàn ông khỏa thân ở Mã Pì Lèng Panorama. Tôi cực lực phản đối hành vi này”.
Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) - cho rằng, hiện nay UBND huyện chưa có biển hướng dẫn về quy tắc ứng xử nên chưa có chế tài để có thể xử phạt những hành vi phản cảm.
Ngày 9.10, ông Trần Chí Hiếu thay mặt nhóm 4 người đàn ông nói trên đã nhận sai, gửi lời xin lỗi tới cộng đồng vì việc khỏa thân ở Mã Pì Lèng, đồng thời cho biết nhóm sẵn sàng chấp nhận xử phạt.