Không còn mua lu trữ nước
Người dân 4 xã ven biển huyện An Minh (Vân Khánh Tây, Vân Khánh, Vân Khánh Đông và Đông Hưng A) thở phào nhẹ nhõm khi mùa khô năm nay không còn cảnh chạy ngược chạy xuôi đi tìm mua nước. 4 xã trên được xem là vùng hạn mặn bởi nơi đây không thể khoan được giếng nước, tình trạng thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng.
Vào những tháng cao điểm mùa khô, người dân phải gồng mình mua nước ngọt sinh hoạt với giá từ 40 - 60 ngàn đồng/m3 nhưng chưa chắc có nước để mua. Việc thiếu nước ngọt sinh hoạt trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân, nhiều hộ rơi vào thế khó đành phải sử dụng nước ao, đìa chưa qua xử lý.
Huyện An Minh (Kiên Giang) có trên 29.000 hộ gia đình hiện có trên 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó trên 60 % sử dụng nước sạch. Công tác cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện có được kết quả tích cực đó khi Dự án Hồ chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bốn xã nói trên đi vào hoạt động.Bà Huỳnh Thị Xuyến, ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh phấn khởi nói: “Mừng lắm, mừng rớt nước mắt, giờ không lo đi kiếm đồ trữ nước hay kiếm chỗ đổi nước, tiết kiệm nhiều tiền lắm. Có nước sinh hoạt như là cuộc sống mình nó đổi thay luôn. Ai sống cảnh thiếu nước như dân ở đây mới hiểu nước quý cỡ nào”.
Với người dân nơi đây, những chiếc lu là vật dụng thiết thân vì bà con dùng để chứa nước mưa hoặc nước đi mua. Vì giá nước quá cao nên mọi sinh hoạt hàng ngày người dân phải vô cùng tiết kiệm nước. Cách tốt nhất mà nhà nào cũng làm đó chính là dùng nước từ hai đến ba lần cho mục đích khác nhau rồi mới bỏ đi.
Chị Trần Vân Anh, ấp Rọ Ghe, xã Đông Hưng A, huyện An Minh chỉ biết lắc đầu khi kể lại chuyện dùng nước, đổi nước. Chị Vân Anh chia sẻ: “Nhắc đến là ám ảnh, chưa từng thấy cảnh khổ luôn. Khá giả thì mua nước trữ cũng không dám xài hoang phí đâu, còn dân nghèo nghèo thì chắt chiu từng giọt. Mình rửa rau xong để đó rửa tay chân này kia rồi tưới cây, xài nước qua 2,3 lần mới dám bỏ”.
Giảm chi phí, góp phần phát triển kinh tế
Theo người dân địa phương chia sẻ, chi phí mua nước khá cao vì nước quá hiếm hoi và vì địa hình các tuyến kênh nhỏ hẹp nên ghe vào đổi nước di chuyển rất khó khăn. Chính vì thế khi có nước sạch về đến tận nhà không chỉ là niềm vui mà là sự giải tỏa nỗi khổ của cuộc sống thiếu nước bao nhiêu năm qua.
Ngoài việc có nước sạch, hợp vệ sinh người dân còn giảm được chi phí đáng kể, bởi với giá nước ngọt của nhà máy chỉ dao động từ 6400 – 6500 đồng/m3, tiết kiệm nhiều lần so với giá mua nước trước đây.
Ông Hồ Minh Song, chủ tịch UBND xã Đông Hưng A, huyện An Minh cho hay không chỉ người dân mà địa phương cũng vô cùng vui mừng vì cái khó của người dân đã được tháo gỡ. Ông Song phấn khởi cho biết thêm: “Người dân phấn khởi lắm, có nước chẳng những giải quyết bài toán thiếu nước ngọt sinh hoạt đã tồn tại lâu nay mà còn giúp cho việc nuôi trồng, sản xuất của người dân được thuận tiện hơn, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương”.Sau khi vận hành, Dự án cấp nước sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng lên công suất cấp nước để phục vụ người dân. Đơn vị phụ trách cấp nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nhất là nhanh chóng kéo phủ hệ thống ống dẫn nước đến tất cả các khu vực dân cư của 4 xã tuyến biển phục vụ ngày càng nhiều hơn nhu cầu nước sạch cho người dân vùng hạn mặn huyện An Minh.