Ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông - cho hay, vào đêm 30 Tết vừa qua, trên 20 đối tượng mang theo 5 cưa máy, dao rựa vào sát chốt quản lý bảo vệ rừng của phân trường Ea Tlong (thuộc tiểu khu 1164) ngang nhiên phá rừng. Lực lượng của công ty chỉ biết vận động các đối tượng ngừng phá rừng.
Chẳng lẽ lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ không có biện pháp chủ động phối hợp từ trước với công an, kiểm lâm để ứng phó với lâm tặc hay sao mà phải khổ sở đi "van nài" lâm tặc ngưng phá rừng (!?).
Theo thống kê mới nhất vào ngày 23.2, còn có tổng cộng 15 điểm nằm trên tiểu khu 1198 và 1219, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị lâm tặc chặt hạ cây pơ mu. 11 vị trí khác bị lâm tặc cưa hạ thời gian trước nhưng cưa xẻ và vận chuyển kịp.
Tổng cộng có 15 cây đường kính chủ yếu từ 70cm đến 100cm bị cưa hạ, khối lượng còn lại hiện trường hơn 32,8m3. Theo nhận định ban đầu, 15 cây pơ mu cổ thụ này bị lâm tặc vận chuyển trong 2 ngày 10 và 13.2.
Như vậy, thiệt hại đợt phá rừng vừa qua ở Krông Bông còn lớn hơn nhiều so với kiểm đếm ban đầu ở hiện trường.
Cả ông Tuấn và Võ Sỹ Sáu - Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đều cho rằng, đã thực hiện hết trách nhiệm người đứng đầu khi ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quán triệt cấp dưới phải thực hiện nghiêm túc công tác quản lý bảo vệ rừng.
Làm nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành nhưng chỉ việc ban hành văn bản rồi quán triệt cấp dưới thì hiệu quả công việc sẽ đến đâu (!?), nhất là trong công tác quản lý bảo vệ rừng vốn phức tạp và có nhiều nhạy cảm.
Nếu các vị trên sâu sát với cấp dưới, "lăn xả" với nhiệm vụ cùng anh em thì có lẽ lâm phần thuộc địa bàn quản lý những năm qua đã không bị tàn phá nặng nề đến vậy.
Thực tế, lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm khi để lâm tặc liên tục lộng hành, mãi vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm.
Đến nay, rừng bị lại phá, các vị trên vẫn bình an vô sự, chưa bị truy cứu trách nhiệm bằng hình thức xử lý kỷ luật cụ thể.
Chiếu theo quy định hiện hành, khi để mất rừng với bất kỳ lý do gì thì lãnh đạo công ty lâm nghiệp trước hết phải bị truy cứu trách nhiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ và bằng hình thức xử lý rõ ràng, cụ thể, tuỳ theo mức độ thiệt hại.