Năm 2018, thị trường lao động Việt Nam được đánh giá phát triển theo hướng tích cực. Số người có việc làm tăng hơn rất nhiều so với năm trước. Đồng thời, những việc làm tạo ra thu nhập góp phần đảm bảo cuộc sống người lao động được quan tâm.
Theo dự đoán của chuyên gia, năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm phát triển đầy tích cực của thị trường lao động nói chung và loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.
Do đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh dẫn đến nhu cầu lao động người nước ngoài vào việt Nam làm việc tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mới đòi hỏi người lao động nước ngoài có kinh nghiệm và có chuyên môn mới đảm đương được công việc mà nhân lực trong nước chưa thể đáp ứng được.
Theo đó, nhóm lao động là người nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn. Trong số trên 80.000 lao động đang làm việc tại Việt Nam theo ước tính của Bộ LĐTBXH, đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động).
Nhóm lao động nước ngoài khi vào Việt Nam cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh; tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tạo môi trường cạnh tranh giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài; góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các lao động với nhau.
Trao đổi về vấn đề này, tại chương trình giao lưu trực tuyến “Thị trường lao động 2019: Cơ hội việc làm và tư vấn của chuyên gia” do Báo Lao động tổ chức ngày 25.3, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm (Bộ LĐTBXH) - đánh giá: “Thời gian vừa qua, lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc giữ một vị trí rất quan trọng trong việc giúp chúng ta khắc phục những thiếu hụt về nhân sự. Đặc biệt là trong các lĩnh vực, ngành nghề mới; những công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam về mặt ý thức, tác phong, thái độ làm việc”.
Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tuyển dựa trên quy định của Luật lao động. Cụ thể, chỉ có chuyên gia, lao động kỹ thuật, nhà quản lý, giám đốc điều hành mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được thì mới tuyển lao động nước ngoài. Và trong bối cảnh thị trường lao động chung hiện nay, việc thực hiện những cam kết, quy định, đặc biệt trong khối các nước ASEAN vẫn phải được đảm bảo chặt chẽ. Đó là cách để bảo hộ lao động trong nước. Mặc dù vậy, những lao động mà thị trường trong nước thiếu chúng ta vẫn phải có những lao động nước ngoài để bù đắp, Phó Cục trưởng Lê Quang Trung khẳng định.
Năm 2019, thị trường lao động Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn, tăng sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao để nâng cao chất lượng lao động.
Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi người lao động trong nước phải nâng cao khả năng thích ứng; trang bị kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Có như vậy mới tăng cơ hội có việc làm và cạnh tranh được với lao động từ nước ngoài vào.