Loay hoay tìm thị trường tiêu thụ nông sản cho vùng ĐBSCL

Mai Hương |

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông sản lớn nhất nước bởi nó gắn liền với những giá trị của phát triển bền vững, cũng như dựa trên thế mạnh của vùng. Thế nhưng, theo các chuyên gia, khu vực này đang đứng trước những khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

“Thua ngay từ vạch xuất phát”

ĐBSCL là khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, ĐBSCL còn là vùng được thiên nhiên ưu đãi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với độ dài hơn 28.000km; cùng hệ sinh thái đa dạng, từ sinh thái biển đảo, cù lao châu thổ, vườn quốc gia, rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước độc đáo.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây ngành nông nghiệp ĐBSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, rủi ro do biến động của thị trường. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thị trường nông sản của vùng luôn được quan tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - tiềm năng là thế nhưng bình quân thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, nhất là nông dân. Các sản phẩm nông sản chủ yếu xuất thô, tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch lớn; du lịch còn manh mún nhỏ lẻ, giẫm chân, đơn điệu…

Bàn về thực trạng nông nghiệp của vùng ĐBSCL, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Chuyên gia nông nghiệp nhận định, chúng ta đã đề ra rất nhiều những chính sách, giải pháp từ Trung ương đến địa phương nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL. Tuy vậy, việc thực hiện đồng bộ và gắn kết lại chưa hiệu quả.

Thậm chí, có tình trạng thông tư hướng dẫn thực hiện luật không thống nhất giữa các địa phương. Những hạn chế này trong các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi. Điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp khó lòng thực hiện công cuộc “đổi mới sáng tạo”, nâng cấp máy móc, quy trình theo định hướng tự động hóa, 4.0.

Việc không thể nâng cấp dây chuyền sản xuất sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào lòng luẩn quẩn không thể cải tiến mẫu mã, hao hụt sau thu hoạch cao, khó đạt được các quy chuẩn như VietGAP hay GlobalGAP.

Như vậy, trong công cuộc cạnh tranh để phát triển, doanh nghiệp nông nghiệp đã “thua ngay từ vạch xuất phát”, dù vùng ĐBSCL có nguồn nông sản dồi dào.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, giá bán lúa biến động gây ra nhiều bất lợi cho nông hộ tại ĐBSCL, đặc biệt là trên phương diện thu nhập. Tuy nhiên, nông hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ thường phải chấp nhận giá thị trường bởi thiếu thương hiệu để tạo nên sự khác biệt.

Do không có thói quen tồn trữ và năng lực tồn trữ yếu nên nông hộ bán lúa gấp ngay sau thu hoạch vì sợ rủi ro giá giảm và để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán nợ và chi tiêu.

Những nguyên nhân trên cộng với chuỗi giá trị lúa gạo kém hiệu quả, khiến giá bán lúa của nông hộ thấp và biến động.

Hiến kế để phát triển

Theo Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Cộng hòa Liên bang Đức), vai trò điều phối, định hướng của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt và tận dụng được những hỗ trợ từ Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Trong số đó, lợi thế từ niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư Châu Âu đối với Việt Nam. Các công ty ở ĐBSCL trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn đối với các nước thành viên EU. Trên cơ sở đó, ĐBSCL sẽ có cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư chất lượng cao từ EU, những cuộc chuyển giao kiến thức chất lượng.

Bên cạnh đó, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Khi tận dụng được các lợi thế này, sẽ thúc đẩy sự hội nhập của ĐBSCL vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Chia sẻ về giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông hộ ở ĐBSCL, PGS-TS Lê Khương Ninh, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần phải phát triển hệ thống kho ký gửi lúa; phát triển thị trường đặt trước và thị trường tương lai; hoạt động bán chung theo nhóm.

Theo đó, hệ thống kho ký gửi giúp quản trị rủi ro giá bán lúa thông qua tạo cơ hội thuận lợi hơn để nông hộ tiếp cận tín dụng nhờ có thể cung cấp tài sản thế chấp, dễ thẩm định và đáng tin cậy, tăng cường tính hiệu quả của việc tiếp thị lúa với tư cách là đơn vị thanh toán bù trừ để giúp thực thi quyền sở hữu tài sản và hợp đồng mua bán.

Việc phát triển thị trường đặt trước như thiết lập hợp đồng đặt trước hay hợp đồng tương lai sẽ giúp nông dân tránh bán lúa gấp, từ đó kiểm soát rủi ro giá.

Bên cạnh đó, giải pháp bán lúa theo nhóm là kiểu hành động tập thể của các nông hộ trồng lúa nhằm tận dụng cơ hội thị trường và tránh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các khuyết tật cố hữu.

Cụ thể, bán lúa theo nhóm giúp hộ nông dân giảm chi phí giao dịch, thu nhập thông tin thị trường cần thiết, tăng cường cơ hội tiếp cận các kỹ thuật mới và thâm nhập thị trường giá trị cao.

Mai Hương
TIN LIÊN QUAN

Nghịch lý giao thông Đồng bằng sông Cửu Long: Cần một quy hoạch tổng thể giao thông thật sự khoa học

PHẤN ĐẤU |

Ngày 21.6.2022, tại TP.Cần Thơ, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ. Hệ thống giao thông được quy hoạch đồng bộ, có tầm nhìn xa, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng, sẽ bảo đảm không còn chuyện dự án giao thông vừa hoạt động đã phải mở rộng.

Nghịch lý giao thông Đồng bằng sông Cửu Long: Tầm nhìn vẫn lạc hậu

KỲ QUAN |

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 4848 gửi Bộ GTVT về việc báo cáo số liệu tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận và kiến nghị nghiên cứu, xem xét đầu tư mở rộng 2 tuyến cao tốc này để đáp ứng nhu cầu giao thông.

Nghịch lý giao thông Đồng Bằng sông Cửu Long: Những “điểm nóng” quá tải

KỲ QUAN |

Nhiều dự án giao thông lớn trên vùng ĐBSCL trong tình trạng “mới làm xong đã phải lo mở rộng”. Mỗi dự án có đặc trưng riêng và có nguyên nhân khác nhau làm cho công trình sớm trở nên bất cập...

Liên kết để phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long

Hải Minh |

Mỗi tỉnh, thành phố phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long đều có tài nguyên du lịch nổi trội, tính đại diện của vùng.

Bùng nổ diện tích sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, vui hay buồn?

Lục Tùng |

Chỉ trong 10 năm, diện tích trồng sầu riêng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trên 300%.

Đồng bằng sông Cửu Long: Vùng đất… mẫn cảm

NHẬT HỒ |

Không chỉ mẫn cảm với thời tiết, với biến đổi khí hậu mà ngay cả kinh tế, văn hóa… vùng đất này cũng dễ "mủi lòng" mỗi khi có biến cố.

Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo an ninh quốc phòng

Vũ Long |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18.6.2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).