Mâm ngũ quả ngày tết trên nền văn hóa cồng chiêng
Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, hiện có rất nhiều bộ tộc thiểu số đang sinh sống, họ thành lập những buôn làng để rồi sinh sống theo những cách của riêng, không lẫn lộn với bất kỳ dân tộc nào khác.
Dấu ấn trong sản xuất, đời sống thường ngày của những người Tây Nguyên được nhắc đến rõ nét trong những bản sử thi đầy chất hào hùng. Tại đó, cả một bức tranh xã hội hiện lên rất rõ nét cùng với những phong tục, tập quán, lễ tết, tục lệ rất riêng.
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Tấn - Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng, chỉ có Tây Nguyên mới có mùa lễ tết kéo dài hằng tháng gọi là mùa Ăn năm uống tháng, mùa con người sống hết mình, nồng nàn với thần linh và đất trời.
"Tết của người Tây Nguyên không theo ngày tháng nhất định mà phụ thuộc vào vòng đời của mùa rẫy, bắt đầu ngay sau khi thu hoạch lúa đến khi chuẩn bị vụ mùa mới.
Chính vì vậy, mâm ngũ quả ngày tết của vùng núi rừng Tây Nguyên cũng thể hiện tính hào hùng của người dân về vùng đất anh hùng đã đi vào thơ ca này" - GS Nguyễn Khắc Tấn nói.
Theo đó, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết của người dân Tây Nguyên được thực hiện theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh và bình yên.
Người dân Tây Nguyên quan niệm, những sản vật đựơc dâng lên trong năm mới đều kết tinh từ công sức, mồ hôi của người con buôn làng để kính dâng lên đất trời, thần thánh.
Những loại trái cây thường gặp trong mâm ngũ quả người Tây Nguyên
Những loại quả trái cây thường xuất hiện trong mâm ngũ quả ngày tết của người dân Tây Nguyên thường là những loại quả được trồng thông dụng ngay trên vùng đất đỏ bazan này.
Thanh long: Có nghĩa là rồng bay, theo quan niệm người dân, nếu đầu năm được rồng ghé thăm nhà thì cả năm được may mắn, phát tài phát lộc.
Dưa hấu: Dưa hấu với vỏ xanh và ruột đỏ sẽ mang lại sự may mắn.
Đu đủ: Giống như tên gọi của nó, chưng đu đủ trong ngày Tết, người dân Tây Nguyên mong muốn được sự đầy đủ, ấm no.
Sung: Người dân Tây Nguyên thường chọn quả sung để biểu trưng cho sự sung mãn về tình cảm và sức khỏe phi thường.
Thơm (khóm): Với dáng như rồng (thân có vảy như vảy rồng) có ý nghĩa mang lại sự giàu có và vươn cao.
Cam, quýt, chanh: Ba loại quả này, được quan niệm là không khí may mắn do hương vị dễ chịu và tinh khiết sẽ xua tan những điều xui xẻo.
Nho: Trong phong thủy, nho được sử dụng như là công cụ phong thủy cho việc hóa hung thành cát, biến vận hạn rủi ro thành may mắn.
Lêkima (trứng gà): Được thể hiện như là lộc trời cho, quả này được trồng nhiều ở khu vực Tây Nguyên, nhất là tỉnh Đắk Lắk.