Tại tổ 33, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, hàng trăm ngôi mộ lâu đời vẫn đang nằm xen kẽ với nhà của người dân.
Ngoài những mộ riêng lẻ, nằm rải rác ở các kiệt, hẻm, trước cổng, cạnh cửa sổ của nhà người dân thì còn có cả những khu nghĩa trang nhân dân rộng hơn 50 mét vuông cũng xen kẽ với nhà của người dân.
Theo người dân ở đây, mỗi dịp lễ, tết, tiết thanh minh đều có người nhà của các ngôi mộ này đến để thắp hương, quét dọn, sơn sửa lại mồ mả.
Dần dà người dân ở đây cũng đã quá quen với cảnh mở cửa ra là thấy mồ mả.
Chị Bưởi, người dân tại tổ 33, phường Hòa Khánh Nam nhớ lại, hơn 30 năm trước chị Bưởi còn đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Mỗi khi tăng ca về nhà lúc 9 giờ tối phải đi qua hàng loạt mồ mả, nghĩa trang đều rất sợ, nhưng rồi cũng quen. Đến nay dân cư đông đúc, cuộc sống gia đình chị Bưởi cũng rất êm đềm.
"Lâu quá rồi nên không ai nhớ được các dãy mồ có từ khi nào và cũng không biết khi nào sẽ di dời", chị Bưởi nói.
Ngoài ra, tại các khu vực dân cư như tổ 21, khu dân cư Cẩm Túc... người dân cũng sống xen kẽ cùng mồ mả từ nhiều năm nay.
Theo UBND phường Hòa Khánh Nam, hiện có gần 2.000 ngôi mộ xây và mộ đất nằm trong khu dân cư, sát nhà dân.
Trước đó, để đảm bảo xây dựng đô thị loại 4 và phấn đấu trở thành Thị xã Hòa Vang vào năm 2025, UBND huyện Hòa Vang đã ban hành quyết định ngày 3.8.2023 về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Trong đó có nội dung “Bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, đề nghị khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Di dời mồ mả trên địa bàn huyện Hòa Vang”.
Giữa tháng 12.2023, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đã có công văn về việc xây dựng đề án, tổ chức di dời mộ xen lẫn trong khu dân cư.
Trước mắt phân đoạn dự án, UBND huyện Hòa Vang đề xuất chọn 2 vị trí tại thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong với tổng số mộ cần di dời là 1.708 mộ. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 28 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2023 và quý I.2024.