Mỏ than Phấn Mễ có 2 khai trường lộ thiên và hầm lò. Năm 1979, mỏ than Phấn Mễ được Chính phủ cấp giấy phép khai thác không có thời hạn. Tuy nhiên, năm 2010, Luật Khoáng sản quy định về thời hạn khai thác nên phải đổi giấy phép. Vì thế, mỏ tạm dừng hoạt động để cấp giấy phép mới cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tháng 6.2022, mỏ dừng khai thác và từ đó đến nay, khu vực mỏ lộ thiên ngừng sản xuất để thực hiện công tác hoàn nguyên, trồng, chăm sóc cây xanh phục hồi môi trường sau khai thác theo đúng quy định.
Hiện tại, mỏ thực hiện việc gia cố, duy tu giữ lại hệ thống hầm lò mỏ Nam Làng Cẩm được xây dựng từ năm 1985 đến nay. Vì nếu không hoạt động, lò bễ sẽ bị sụt lún rất lãng phí, do đó vẫn phải bơm nước, thông gió thường xuyên...
Theo chị Đỗ Thị Ngọc Lan - công nhân phân xưởng Tuyển than, trước kia, khi có việc, mức lương của hai vợ chồng chị trên dưới 15 triệu đồng/tháng, đời sống ổn định. Nhưng từ khi mỏ đóng cửa, một tháng chỉ làm vài công nên thu nhập của hai vợ chồng chị được khoảng 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống rất khó khăn.
“Do lớn tuổi, không thể chuyển nghề được nên ai thuê gì, vợ chồng tôi cũng làm, miễn là có tiền nuôi con ăn học”, chị Lan cho hay.
Mặc dù không còn sản xuất kinh doanh nhưng một số bộ phận phận vẫn phải duy trì hoạt động.
Theo ông Trịnh Quang Chiến – Đội trưởng Đội bảo vệ Mỏ than Phấn Mễ, khi mỏ đóng cửa, hoạt động của các bộ phận đều phải co lại, như phòng bảo vệ rút xuống chỉ còn 9 người trông giữ an ninh gần 200ha đất mỏ.
Để đảo bảo đời sống cho công nhân, Mỏ than Phấn Mễ đã linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp nhằm duy trì việc làm, thu nhập.
Cụ thể, đối với số lao động dôi dư sau khi dừng khai thác lộ thiên, đơn vị bố trí đi làm các công việc theo Đề án đóng cửa mỏ, như: Bơm nước moong, trồng cây, làm hàng rào dây thép gai, xây tường chắn, sửa chữa đường lò, tuyển một số than tồn kho, thi công lắp đặt cân điện tử 60 tấn khu vực Cánh Chìm và khu hầm lò Nam Làng Cẩm…
Đồng thời, tích cực áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí, quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, vận chuyển, sàng tuyển than thu hồi.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Hải Dương – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Mỏ than Phấn Mễ cho biết, mặc dù mỏ dừng khai thác, nhiều khó khăn nhưng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và đơn vị vẫn cố gắng điều tiết công việc để người lao động có thu nhập tối thiểu ở mức có thể.
Cùng với đó, đơn vị đang cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các thủ tục để xin cấp phép khai thác hầm lò khu vực Nam Làng Cẩm và Bắc Làng Cẩm.
Hiện toàn mỏ có trên 400 công nhân lao động. Trong đó, 100 lao động không có việc làm. Để đảm bảo đời sống cho người lao động, công ty phải cố gắng trả mức lương tối thiểu vùng (hơn 3 triệu đồng/người/tháng).
Cũng theo ông Dương, mặc dù khó khăn nhưng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và mỏ tìm mọi biện pháp giữ chân thợ mỏ để phục cho dự án Bắc Làng Cẩm dự kiến sẽ được triển khai vào Quý II/2024.
“Khó khăn lớn nhất là phần lớn lao động tại mỏ đều lớn tuổi, chỉ biết nghề mỏ nên rất khó tìm việc làm mới”, ông Dương cho hay.