Mức tiền công không đáng là bao
Anh Mỹ (TP.Thủ Đức, TPHCM) đọc được thông tin dịch vụ này được rao trên nhóm Zalo Quận 10 và một số trang Facebook. Anh liền vào chat để hỏi thêm, rằng để cập nhật thông tin tiêm chủng thì phải cung cấp những gì cho bên thực hiện dịch vụ.
Thế là một loạt yêu cầu về thông tin cá nhân được đưa ra: Họ và tên, ngày sinh, địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại. Bên cạnh đó, khách hàng còn phải cung cấp các thông tin về mũi tiêm: Thời điểm, địa chỉ, loại vaccine đã tiêm mũi 1, mũi 2 hoặc cả 2 mũi cùng với chứng nhận tiêm chủng do cơ sở/đơn vị y tế cấp, xác nhận.
Cũng theo anh Mỹ, sau khi liên hệ với đối tượng cung cấp dịch vụ thì được cam kết là kết quả thẻ vàng, thẻ xanh sẽ được cập nhật ngay lập tức vì “có tài khoản nhập liệu của trung tâm y tế”. Thậm chí, đối tượng còn chấp nhận cập nhật thông tin trước nhận tiền công sau.
Tất nhiên, không ít người rất muốn được sớm cập nhật thông tin tiêm chủng, đặc biệt là trong bối cảnh từ ngày 1.10.2021 trở đi chứng nhận tiêm chủng (thẻ COVID-19) được sử dụng như một điều kiện để tham gia các hoạt động kinh tế xã hội khi TPHCM dần mở lại kinh tế. Hơn nữa, không ít người như chị Vân (Quận 7), dù đã tiêm chủng xong mũi 2 nhiều tuần và cũng đã cập nhật thông tin lên các website, ứng dụng y tế theo hướng dẫn. Nhưng đến nay, chứng nhận về mũi tiêm vẫn chưa đầy đủ.
Chị Vân cũng như nhiều người khác, sẵn sàng chi ra 50.000 đồng (được cho là không đáng là bao) trả cho dịch vụ cập nhật thông tin tiêm chủng “bao vàng” hoặc “bao xanh” thay vì phải chờ đợi quá lâu, hoặc cảm thấy băn khoăn, không yên tâm vì không biết dữ liệu tiêm chủng của mình có bị trục trặc, rơi rớt… và liệu có được cập nhật hay không.
Không nên để bị thu thập thông tin cá nhân!
Trên thực tế, những thông tin cá nhân mà dịch vụ cập nhật thông tin tiêm chủng với mức giá 50.000 đồng/lần đang được rao trên các nhóm, trang mạng xã hội không có gì khác với những thông tin cá nhân người dân phải điền trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 thuộc Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản nhất là độ cam kết và sự bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng.
Theo phân tích của chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, việc người dân tự cập nhật hay nhờ người thân quen cập nhật giúp thông tin tiêm chủng lên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, chí ít là được đơn vị thuộc Nhà nước cam kết về sự bảo mật thông tin, đồng thời website cũng có các công cụ, giải pháp công nghệ bảo mật thông tin cá nhân lưu trữ trong hệ thống, và chắc chắn không phải ai cũng có thể tùy tiện truy cập, truy xuất và sử dụng nguồn dữ liệu này.
Tâm lý người dân đã tiêm chủng đang cảm thấy sốt ruột vì đã hoàn thành mũi tiêm lâu rồi vẫn chưa được cập nhật thẻ vàng, thẻ xanh trên các website, ứng dụng cũng là điều dễ hiểu.
Cũng theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng, với tâm lý đó, người dân cũng rất dễ dàng chi ra 50.000 đồng, là số tiền không lớn, trả cho dịch vụ cập nhật thông tin tiêm chủng để sớm có thẻ vàng, thẻ xanh.
Tuy nhiên chuyên gia Thắng khuyến cáo, vấn đề không phải là số tiền 50.000 đồng chi ra mà chính là những thông tin cá nhân phải cung cấp cho đối tượng thực hiện dịch vụ.
“Không nên dễ dãi giao những thông tin cá nhân như vậy cho đối tượng rao dịch vụ qua Internet mà mình không biết rõ đó là ai. Những thông tin đó có thể bị lợi dụng để làm rất điều khuất tất, bất lợi gây hệ lụy cho mỗi thân chủ của nó”, ông Thắng cảnh báo.