Nên “cắt bớt” 5K
Từ 19h tối thứ 6, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội chính thức mở cửa phố đi bộ sau gần 1 năm dừng hoạt động. Người dân, du khách và các chủ nhà hàng rất vui, phấn khích trước chủ trương này của UBND TP Hà Nội.
Theo ghi nhận, tại 35 chốt kiểm soát dịch của Quận Hoàn Kiếm, người dân bắt buộc phải thực hiện quét mã QR code, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Các chủ nhà hàng trên các phố Đinh Lễ, Tạ Hiện, Mã Mây đều có ý thức phòng chống dịch.
Tuy nhiên, lượng du khách đổ về đây rất đông. Việc thực hiện tiêu chí 5K về giữ khoảng cách đương nhiên là không thể thực hiện. Bên cạnh đó, việc khai báo y tế để truy vết chống dịch theo nhiều người dân ở thời điểm này cũng không còn nhiều tác dụng.
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) phân tích, từ tháng 2 trở lại, chúng ta khống chế cơ bản làn sóng dịch thứ 4. Nhưng khi bước sang tháng 3, số ca mỗi ngày lên tới 150-160 nghìn ca, ở Hà Nội đã lên tới hơn 30.000 ca, chưa kể thực tế số người không khai báo rất nhiều. Thế nhưng trong khoảng một tuần vừa rồi, chúng ta thấy các con số đi xuống, có nghĩa rằng chúng ta đã vượt qua đỉnh dịch.
Bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết, trong bối cảnh của Việt Nam đi qua đỉnh dịch và đã phổ cập được vaccine, chúng ta đã xoay chuyển tình hình chống dịch. Người dân đến bây giờ đã biết cách để phòng bệnh. Với tình hình như vậy, Việt Nam đã đến lúc để có thể chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đồng thời, có thể thay đổi những các biện pháp phòng chống dịch mang tính chất y tế công cộng.
"Điều quan trọng là ‘5K’ cần thiết phải thay đổi đối với toàn xã hội và cả cá nhân. 5K vẫn còn giá trị chừng mực nào đó nhưng nếu áp dụng nguyên 5K bây giờ thì theo tôi không còn phù hợp nữa" - bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Ở giai đoạn mới này, thực ra 5K không còn hoàn toàn chính xác nữa. Chúng ta đã chích ngừa rồi thì chuyện khai báo y tế hiện nay nên bỏ bớt đi".
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho rằng, có thể không cần bắt buộc phải thực hiện hết tất cả 5K. Mà tùy vào những điều kiện nhất định thì phải lựa chọn cái nào cần thực hiện nhưng tinh thần không bắt buộc như trước đây.
"Theo tôi, Bộ Y tế xem xét và tổng kết lại, cái nào cần tiếp tục, cái nào là khuyến cáo để có hướng dẫn cụ thể", ông Nguyễn Huy Nga nói.
Kinh nghiệm từ thế giới
Trên thế giới, Mỹ cũng nhiều nước ở Châu Âu đã coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế.
Như tại Pháp, người dân đang quay trở lại cuộc sống bình thường như trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông đường dài như xe liên tỉnh, tàu hỏa, hoặc máy bay và tại bệnh viện, các trung tâm dưỡng lão. Việc đeo khẩu trang cũng vẫn được khuyến khích đối với những người mắc COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc có nguy cơ cao, những người có triệu chứng và các chuyên gia chăm sóc y tế.
Các nước Châu Á thì thận trọng hơn trong việc dỡ bỏ qui định đeo khẩu trang. Malaysia đã bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, nước này vẫn áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng.
Singapore thì không bắt buộc nhưng khuyến khích người dân đeo khẩu trang. Những người không đeo khẩu trang sẽ phải thực hiện giãn cách ít nhất 1m.
Còn đối với người dân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì đeo khẩu trang đã trở thành thói quen thường ngày. Những chiếc khẩu trang giúp họ ngăn chặn virus, tránh ánh nắng mặt trời, bụi bẩn.
Nhiều quốc gia xác định chuyển từ ngăn cấm sang kiểm soát rủi ro, chuyển từ "Zero F0" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 có hiệu quả.
Thông điệp '5K' gồm "khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế" là những khuyến cáo được Bộ Y tế đưa ra hồi tháng 8.2020, khi Việt Nam ghi nhận 1.044 ca COVID-19, trong đó 690 ca lây nhiễm trong nước, 354 ca từ nước ngoài về.