“Con voi chui lọt lỗ kim”
Như Báo Lao Động đưa tin, tại xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy, lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy quản lý lại phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn. Tại hiện trường, có hàng chục cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ với tổng thiệt hại lên đến 147m3 gỗ. Các cây gỗ có giá trị như bằng lăng, sơn huyết, dổi… bị cưa hạ, dấu vết còn mới.
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường thì vị trí phá rừng tại nhiều địa điểm khác nhau trong vùng rừng mênh mông, rộng lớn, giáp với Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Từ trung tâm xã Mo Rai, muốn vào tận nơi phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ luồn rừng.
Với các vụ phá rừng thường thấy, khi cưa hạ cây gỗ nào thì lâm tặc lập tức cưa xẻ thành phách, hộp gỗ rồi “tời” ra khỏi rừng, đốt gốc, bìa nhánh phi tang, xoá dấu vết.
Với hiện trường bị xoá dấu vết thì việc kiểm đếm, xác định thời gian chặt hạ, khối lượng gỗ thiệt hại… của cơ quan điều tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi khối lượng gỗ thiệt hại bị giảm xuống thì sẽ có lợi cho nhóm lâm tặc khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự và “sa lưới” pháp luật.
Nhưng ở vụ án phá rừng tại xã Mo Rai, các đối tượng cưa hạ cây gỗ hàng loạt, số lượng lớn cây gỗ còn nằm tại hiện trường. Có thể địa hình núi sâu, hiểm trở lâm tặc chưa thể vận chuyển gỗ ra ngay được.
Vị trí phá rừng không nằm ở thượng nguồn con sông nào chảy qua, lâm tặc không thể đưa gỗ xuôi theo dòng sông, suối về hạ nguồn. Muốn đưa gỗ ra khỏi rừng chỉ duy nhất một con đường độc đạo nối với xã Mo Rai. Trên con đường này lại có đến 2-3 chốt bảo vệ rừng của đoàn liên ngành bao gồm: UBND xã – Kiểm lâm địa bàn – Bộ đội Biên phòng tỉnh – Bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy.
Nếu các chốt bảo vệ rừng này làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì “con voi không thể chui lọt lỗ kim”. Lâm tặc không thể bước chân vào rừng chứ đừng nói việc xách cưa, dựng lán trại ăn ở dài ngày trong rừng được.
Rừng mất, lực lượng bảo vệ rừng ở đâu ?
Thêm một điều bất thường trong vụ phá rừng này nữa, đó là việc đoàn liên ngành tại xã Mo Rai lại làm khó dễ, ngăn cản báo chí tác nghiệp khi tìm cách tiếp cận hiện trường, chụp hình, quay phim khu vực rừng và nơi phủ bạt che dấu gỗ.
Số gỗ khu vực bìa rừng phát hiện được chỉ là số lượng rất nhỏ, khai thác bất hợp pháp trong rừng, chưa kịp tẩu tán. Tuy nhiên điều này lại nói lên rằng, rừng ở Mo Rai bị …chảy máu từng ngày dù có sự xuất hiện thường trực của đoàn liên ngành và cách chốt bảo vệ rừng chưa đầy 50m.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc phá rừng thì số liệu gỗ thiệt hại lại bất nhất, không rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy cho biết: “Ban đầu vụ khai thác gỗ có thể thiệt hại trên 10m3 gỗ, đủ để khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên cần mở rộng hiện trường thêm”. Ông Võ Sỹ Chung – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum thì cho biết, thông tin ban đầu có khoảng 40m3 gỗ bị thiệt hại. Tuy nhiên, thống kê chính xác nhất tổng số gỗ thiệt hại là 147m3 - con số lớn so với nhiều vụ phá rừng khác ở Tây Nguyên hiện nay.
Trước vụ việc phá rừng nghiêm trọng này, ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan Công an khẩn trương, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật. Tất nhiên, vừa truy bắt các đối tượng phá rừng, cũng cần điều tra làm rõ thêm trách nhiệm của chủ rừng, kiểm lâm địa bàn tại huyện Sa Thầy.
Bởi nhiều lực lượng liên ngành cùng chốt chặn, canh giữ kiểm soát rừng, chỉ cần người lạ vào khu vực biên giới thì từ… đầu làng ai cũng biết. Vì sao cả nhóm lâm tặc ngang nhiên hoạt động giữa rừng dài ngày thì cơ quan bảo vệ rừng lại không hề hay biết.
Để làm rõ câu hỏi này cũng là phần trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Sa Thầy, Công an tỉnh Kon Tum.