Lý do GV "cực kỳ vất vả”, được cô Trần Thị Thu (Hương Sơn) giải thích: “Đây là chương trình hoàn toàn mới, cả về quan điểm, lý thuyết lẫn phương pháp. Giáo viên chỉ được tập huấn một thời gian ngắn, sau về mày mò tự học. Chương trình hiện hành thì những em yếu bố mẹ có thể hỗ trợ được, nhưng CNGD thì phó mặc cho nhà trường”.
Cô Thu cho biết thêm, khi dạy CNGD, giáo viên buộc phải tuân theo các bước, quy trình chặt chẽ của người biên soạn sách. Tuy nhiên, thời gian không đủ để thực hiện, và nhiều thao tác không phù hợp, không cần thiết. Vì vậy, giáo viên phải trăn trở tìm cách khác, thông qua tổ chuyên môn để bàn thảo, quyết định.
“Giai đoạn đầu, cả trường quay cuồng, vật lộn với công nghệ, các môn khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, cô Thu cho hay. Vì vậy, giáo viên này dạy CNGD thì chuyên dạy, còn các giáo viên khác không thể dạy được.
Việc tuân thủ chặt chẽ “công nghệ” đã gò bó sự sáng tạo, linh hoạt của học sinh và giáo viên. Điều này đã được thể hiện trong kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia về TV1-CNGD: "Việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh có thể hạn chế sự sáng tạo của giáo viên và hứng thú của học sinh. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại, nếu tiếp tục trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu”.
Cô Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (thị trấn Can Lộc-Hà Tĩnh) cho biết: Do chỉ được phép áp dụng duy nhất và đúng thiết kế của sách giáo viên nên phần nào gây tâm lí nhàm chán cho cả giáo viên và học sinh, giáo viên mất cơ hội được sáng tạo.
Tuy nhiên, cô Xuân cũng nêu các ưu điểm của CNGD: “Học sinh được hoạt động thường xuyên, không em nào ngoài cuộc, giáo viên có thể kiểm soát được100% học sinh tham gia quá trình học. Đến cuối kỳ 1, cơ bản học sinh đã đọc thông, viết thạo. Cuối năm, học sịnh đọc và viết khá nhanh, nắm chắc luật chính tả, không tái mù, nói năng chững chạc lưu loát”.