Lao động tự do gặp khó khăn
Khoảng 2 tháng nay kể từ khi TPHCM áp dụng các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, biết bao người lao động nghèo mưu sinh tại thành phố không còn nguồn thu để sống qua từng ngày.
Bà Đỗ Thị Mỹ Duyên từ An Giang lên TPHCM mưu sinh bằng nghề bán xe hàng ăn rong. Bà cùng con gái trọ tại đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh. Dịch bệnh ập đến, giãn cách kéo dài khiến hai mẹ con không có bất cứ nguồn thu nào. Bà Duyên cho biết đã mấy tháng nay dừng buôn bán nên hết sạch nguồn trữ, cũng may được chủ trọ miễn một nửa tiền phòng, hỗ trợ cho thêm bữa ăn, còn lại những sinh hoạt phí khác cũng phải đi vay mượn.
“Hai mẹ con chỉ dám ăn sáng qua loa và một bữa tối. Mình không làm ra tiền, không biết thành phố còn giãn cách nữa thì cuộc sống sẽ như thế nào”, bà Duyên chia sẻ.
Cùng khu trọ với bà Duyên, anh Lữ Chí Thạch (quê Bình Định) cho biết làm nghề tự do khi có dịch, anh Thạch cũng có nguyện vọng về quê nhưng thành phố khuyến khích người dân ở lại nên anh cũng cố gắng sống qua ngày. Anh Thạch cho biết cũng khó có thể cầm cự được lâu nếu tình hình giãn cách vẫn còn kéo dài.
Với nhiều người dân làm nghề tự do hay buôn bán vỉa hè tại TPHCM, những ngày không có công ăn việc làm là một ngày họ không có thu nhập. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, khi nghe tin thành phố sẽ hỗ trợ cho lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi COVID-19, ai cũng mong chờ.
Đưa gói cứu trợ đến với người dân sớm nhất
Thông tin về các gói hỗ trợ cho người gặp khó khăn bởi dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định: Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 là một trong những vấn đề lãnh đạo TPHCM rất quan tâm và ưu tiên trước hết trong giai đoạn này, để không có trường hợp người dân phải đói, thiếu ăn. TPHCM đang cố gắng đưa các gói cứu trợ đến tay người dân sớm nhất.
Trên tinh thần đó, TPHCM đã có 2 đợt hỗ trợ đến nay đã chi trả cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp,… với tổng số tiền đã chi là hơn 913,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai nhiều khoản chi khác như: hỗ trợ cho các hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động (gần 12 tỉ); hỗ trợ thương dân tại các chợ truyền thống gặp khó khăn (gần 26 tỉ); hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp cho hơn 2,3 triệu người lao động (1.060 tỉ); hỗ trợ tạm ngừng đóng phí hưu trí và tử tuất (187 tỉ); hỗ trợ viên chức trong hoạt động nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động, hướng dẫn viên du lịch, người lao động sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân,… (hơn 140 tỉ); hỗ trợ 43.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (47,5 tỉ).
Ông Đức cho biết, đối với số người có tài khoản, thành phố sẽ chuyển thẳng tiền hỗ trợ vào tài khoản, những người không có tài khoản các lượng lực sẽ trao tận tay.
Chênh lệch số liệu do cách tính
Mới đây, UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - thương binh và xã hội về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, số lao động dự kiến hỗ trợ 1.580.100 hộ tương đương với khoảng hơn 4.749.330 người.
Câu hỏi được đặt ra là hiện nay TPHCM chỉ có khoảng 2,6 triệu hộ dân, trong khi đó tại phụ lục kèm theo ở một số quận huyện thì số người nghèo cao hơn cả số dân hiện tại.
Lí giải về việc một số danh sách số người được đề nghị nhận hỗ trợ chênh lệch trong báo cáo, ông Đức cho biết các gói an sinh không phải chỉ dành cho hộ nghèo mà là hỗ trợ những hộ gặp khó khăn trong tình trạng thành phố thực hiện nghiêm giãn cách. Việc hỗ trợ để đảm bảo người dân có thể không phải ra đường trong một thời gian đủ dài, yên tâm ở nhà vẫn duy trì được đời sống.
Ông Đức cho rằng, một số số liệu thống kê có thể chưa chuẩn do thời gian ngắn để tổng hợp và trình Chính phủ, thành phố sẽ cho kiểm tra lại để cập nhật chính xác số liệu.
Một lí do khác được ông Đức đưa ra là thành phố coi những người dân đang sinh sống trên địa bàn TPHCM nếu có khó khăn thì đều cần được hỗ trợ. Do đó, nếu phía thống kê có công bố về số dân cụ thể của một phường, quận nào đó thì chỉ là thống kê số người có hộ khẩu. Điều này dẫn đến số công bố với số thực sẽ có sự chênh lệch lớn.