Mới đây, trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Ban Thường vụ Quận ủy Nam Từ Liêm đã kiến nghị TP Hà Nội cho phép nghiên cứu triển khai xây dựng Quảng trường Văn hóa - Thể thao thanh niên tại ô đất 5B2, đối diện sân vận động Mỹ Đình.
Với kiến nghị này, quận Nam Từ Liêm mong muốn tận dụng lợi thế các công trình thể thao, các không gian lớn, kết nối giao thông ngoại ô để thu hút nhiều khách quốc tế, tạo ra các chuỗi thương mại, dịch vụ.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, việc phát triển không gian công cộng cho thanh thiếu niên và người dân trong khu vực là rất cần thiết.
Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân tại chỗ, cũng như là cư dân của thành phố vốn đang thiếu hụt không gian công cộng.
Đặc biệt kiến trúc sư nhấn mạnh: "Khu Mỹ Đình xưa nay có nhiều khu đất để lãng phí, quản lý lỏng lẻo thậm chí có rất nhiều dự án tư nhân hoá đang lấn chiếm không gian công cộng của cả Hà Nội. Chính vì vậy, việc mở rộng và phát triển không gian công cộng, sở hữu công để sinh hoạt cộng đồng miễn phí là rất đáng khuyến khích".
Bên cạnh đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cũng đặt ra vấn đề, việc xây dựng công trình quảng trường như quận Nam Từ Liêm nói cần hết sức minh bạch và rõ ràng.
Theo đó, trong ngôn từ, chủ trương hay việc minh bạch hoá cần phải nói rõ đây là tài sản công; mục tiêu là phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho tất cả tầng lớp thanh thiếu niên và nhân dân thủ đô. Quy mô, hình thức và nguồn quỹ như thế nào đều cần phải công khai, minh bạch, tránh việc mập mờ về chức năng của công trình.
"Tất cả những yếu tố tư nhân hoá dưới dạng các công trình kiểu thể thao dịch vụ, thể thao hiện đại... cần phải triệt thoái ngay từ khi xây dựng mô hình của công trình" - kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.
Hiện cả nước mới có 35 quảng trường, trong đó các thành phố lớn có 17 quảng trường, Hà Nội có 4 quảng trường. Tỷ lệ diện tích quảng trường trên diện tích đô thị và trên đầu người ở Việt Nam được cho là thấp so với các nước trên thế giới.