Hang Kia, Pà Cò là 2 xã vùng cao của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đa phần các hộ dân nơi đây là bà con người Mông. Cái “lệ” cho con cái kết hôn sớm đẩy nhiều bé trai, bé gái chưa kịp lớn đã khoác lên mình vai trò làm cha, làm mẹ.
Nhiều hệ lụy từ việc tảo hôn
Theo tập quán, các chàng trai Mông tìm người thương hay xuống chợ. Qua chén rượu giao lưu hay qua tiếng khèn Mông, hay khèn lá là họ “hiểu” được lòng nhau. Ngày đó, các chàng trai ưng cô gái nào là “kéo” về nhà cho kì được.
Nếu như cô gái kia "ưng cái bụng", họ sẽ đồng ý ở lại và không bỏ trốn. Chàng trai coi đó là tín hiệu tích cực và đánh tiếng với bố mẹ sang nhà gái thưa chuyện.
Những cặp vợ chồng nhí về ở với nhau được một thời gian, nếu thấy hợp nhau thì tiếp tục nấu cơm chung. Đôi nào không ở với nhau, họ bỏ nhau cũng nhẹ tựa lông hồng.
Bên cạnh đó, kết hôn sớm khiến nhiều thiếu nữ người Mông làm mẹ trước tuổi. Họ đến với nhau dễ dàng như thế nào thì khi bỏ nhau cũng chóng vánh như thế. Điều đáng nói là các bé gái luôn là người chịu nhiều thiệt thòi.
Bác sĩ Hà Thị Dậu - Phòng Dân số kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Y tế huyện Mai Châu) cho biết: Những hệ lụy của tảo hôn đã ảnh hưởng đến chất lượng dân số, đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Năm nào ở xã Hang Kia và Pà Cò cũng có những cặp đôi tảo hôn. Nhiều đôi trẻ về ở với nhau được thời gian, họ sinh con đẻ cái. Do tuổi đời còn quá trẻ, nhiều cặp vừa ở với nhau được chưa lâu đã “đường tình đôi ngả”.
Theo anh Giàng A Tráng, cán bộ tư pháp xã Hang Kia, điều đáng nói là những cặp đôi tảo hôn đến khi con cái đủ tuổi đi học, họ mới ra xã làm giấy khai sinh và đăng kí kết hôn.
Phức tạp nhất là khi những đôi bỏ nhau, đa phần đứa trẻ ở với bố. Khi làm thủ tục khai sinh cho các cháu, cần phải có cả mẹ đẻ đến kí. Trong khi đó, đa phần những người mẹ của đám trẻ này đi lấy chồng ở xa. Nhiều người còn không liên lạc được.
Vấn đề bắt đầu phát sinh từ đây, nếu muốn các cháu làm được giấy khai sinh phải có mẹ đẻ cùng giải quyết. Lúc này, gia đình của các cháu mới tá hỏa đi tìm mẹ cho các cháu về để giải quyết thủ tục.
“Nhiều trường hợp lấy chồng xa, chúng tôi liên hệ cả tháng, thậm chí cả năm trời mà chưa đến giải quyết được. Việc này dẫn tới những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi đến tuổi đi học mà chưa giải quyết xong thủ tục làm giấy khai sinh”, cán bộ tư pháp xã Hang Kia cho biết.
Theo anh Tráng, năm 2022, toàn xã Hang Kia còn 62 cháu bé chưa làm xong giấy khai sinh, trong đó có 56 trường hợp là do bố mẹ tảo hôn và 6 trường hợp chưa đến khai. Theo hồ sơ mà cán bộ tư pháp nắm được, đến nay vẫn còn mấy chục trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục.
Xã luôn tạo điều kiện hết mức để các cháu hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Nhưng làm gì cũng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc này cũng gây cho cán bộ tư pháp nhiều khó khăn.
Các dòng họ và 4 xã xây dựng hương ước chống tảo hôn
Ông Khà A Lau - Chủ tịch UBND xã Hang Kia cũng là người Mông. So với đám trẻ, ông Lau lại kết hôn muộn hơn và trong độ tuổi cho phép. Những người hoạt động xã hội hoặc tham gia làm cán bộ xã thường kết hôn đúng độ tuổi vì họ còn bận đi học.
Nói đến tình trạng tảo hôn tại xã, ông Lau cho rằng: “Việc này là có và năm nào cũng xảy ra vài trường hợp. Ở 5 bản của xã đều có thống kê đầy đủ. Xã đã tuyên truyền và vận động nhiều, nhưng tình trạng này chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai được”.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hang Kia, tình trạng tảo hôn ở xã Hang Kia là do cách nghĩ, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số, quan niệm lấy vợ, lấy chồng cho các con khi tuổi vị thành niên để sớm có người nối dõi tông đường, có thêm nhân lực tham gia lao động.
Chính quyền xã đã đến từng nhà, gặp từng đối tượng có con em từ 10 tuổi trở lên để vận động họ không cho con cái tảo hôn. Bên cạnh đó, tại các xóm, các dòng họ đã xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát, thống kê số lượng trẻ ở độ tuổi vị thành niên tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền, vận động các em không tảo hôn.
4 xã Vân Hồ, Lóng Luông (huyện Vân Hồ - Sơn La), Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu - Hòa Bình) có địa giới hành chính giáp ranh, có hơn 80% là đồng bào dân tộc Mông. Tình trạng tảo hôn ở 4 xã đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ông Tếnh A Chìa - Bí Thư Đảng ủy xã Lóng Luông cho biết: "Năm 2002, 4 xã đã cùng nhau ký vào hương ước, trong đó có việc chống tảo hôn".
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, bản hương ước đã có tác động tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ban chỉ đạo công tác Dân số Kế hoạch và gia đình Mai Châu cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện các chính sách dân số trong tình hình mới. Tại các xóm, các dòng họ xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên rà soát, thống kê số lượng trẻ ở độ tuổi vị thành niên tại địa bàn phụ trách để tuyên truyền, vận động các em không tảo hôn.