Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập ông H.N.M – chủ tài khoản TikTok H.M, trú tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, tạm trú tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng để làm rõ về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân.
Trước đó, ngày 5.8.2022, tài khoản TikTok H.M đăng tải 1 video với nội dung “Bạn nghĩ sao về người miền Trung” thể hiện quan điểm chê bai, nói xấu người miền Trung.
Quá trình làm việc với cơ quan công an, M thừa nhận quá trình sản xuất, chỉnh sửa, đăng tải video trên là do chính M thực hiện. Vào thời điểm quay video tại Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, dù người được phỏng vấn có cả những nhận xét tích cực về người miền Trung nhưng M chỉ chọn những đoạn nhận xét tiêu cực.
Sau đó. M cắt ghép, chỉnh sửa thành 1 video hoàn chỉnh chỉ chứa đựng nội dung phê phán theo ý muốn chủ quan của M và tiến hành đăng tải trên TikTok.
Vụ việc này thể hiện rõ định kiến vùng miền của TikToker H.M. Trước đó cũng đã xuất hiện những định kiến về người miền Bắc, người miền Nam hay cụ thể hơn là định kiến về người Thanh Hoá, Nghệ An…
Không chỉ định kiến vùng miền, trong thực thế, còn có nhiều kiểu định kiến khác như giới tính, nghề nghiệp, ngoại hình… Một trong những định kiến về giới tính đó là phụ nữ thì lái xe kém, hay gây tai nạn, vì vậy mới có câu nói (có thể là đùa, nhưng mang hàm ý phân biệt, xúc phạm phái nữ: Không nên bán xăng cho phụ nữ).
Tuy nhiên, lái xe không liên quan gì đến giới tính, mà phụ thuộc vào kỹ năng, tình trạng sức khoẻ, mức độ hiểu luật giao thông… của người lái xe cũng như cơ sở hạ tầng về giao thông.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển là nam giới, mà mới đây nhất là vụ xe “điên” đâm hàng loạt xe máy ở cây xăng đường Láng (Hà Nội) vừa qua.
Những định kiến trên không chỉ dừng lại ở những ý nghĩ trong mỗi con người mà rất dễ trở thành những hành động phân biệt đối xử ở mỗi cá nhân cũng như ở một nhóm cộng đồng, lĩnh vực trong xã hội.
Thực tế, thời gian trước đây, tại thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương đã có những trường hợp doanh nghiệp công khai không tuyển dụng lao động Thanh Hoá - Nghệ An – Hà Tĩnh. Phân biệt đối xử vùng miền trong trường hợp này cướp đi cơ hội việc làm của không ít người lao động chân chính. Trong những lĩnh vực khác, định kiến, phân biệt đối xử cũng gây ra nhiều hậu quả không hề nhỏ.
Điều 16 Hiến pháp 2013 khẳng định: 1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này đã được cụ thể hoá tại các Bộ luật, luật ở nhiều lĩnh vực.
Định kiến, phân biệt đối xử ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần bị loại bỏ trong xã hội văn minh, nơi mọi người cần được đối xử, được trao cơ hội và được nhìn nhận một cách bình đẳng.