Hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn bao nhiêu mì tôm sẽ bất lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, việc bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, nhiều chất béo bão hòa sẽ khiến cơ thể thiếu nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin, kẽm, chất xơ…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo, bún, bánh phở, bánh mì… Khi sử dụng mì ăn liền, người dùng chỉ nên coi là một thực phẩm.
Theo đó, để tạo thành món ăn hay bữa ăn đạt yêu cầu về dinh dưỡng hợp lý cần kết hợp với các thực phẩm nhóm khác như cung cấp chất đạm (thịt, trứng, tôm…), nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ (rau, quả…).
Để cân bằng dinh dưỡng và có được bữa ăn ngon, tốt cho sức khỏe với mì ăn liền, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người tiêu dùng nên chú ý tới những “quy tắc” sau khi sử dụng mì ăn liền:
Thưởng thức mì gói kèm theo các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua... Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (Bộ Y tế phê duyệt năm 2016) thì mỗi 1.000 calo ăn vào cần 14g chất xơ.
Thưởng thức mì gói kèm thực phẩm giàu đạm: Nên bổ sung thêm vào mỗi bát mì khoảng 3-4 lát thịt bò, thịt lợn hoặc 2-3 con tôm để bữa ăn từ mì gói được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật.
Trong trường hợp trong bếp không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn đa dạng từ mì gói, có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần, nhưng các bữa ăn sau thì nên đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.