Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, từ tháng 6.2023 đến nay (ngày 30.9), toàn tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận 35 ổ dịch với 183 ca mắc sốt xuất huyết. Các ca bệnh có độ tuổi từ 1 - 97 tuổi, trong đó có 13 trẻ em dưới 15 tuổi và 1 trường hợp là người nước ngoài. Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở tất cả 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình. Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Yên Mô với 32 ca và huyện Nho Quan 30 ca.
Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong thời gian gần đây, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi các đơn vị trong toàn ngành Y tế; Bệnh viện Quân y 5, Công an tỉnh, Bệnh xá Quân đoàn I và các phòng khám đa khoa tư nhân.
Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để ngay khi phát hiện, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài. Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết, khai thác kỹ tiền sử dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời. Thông báo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng cùng cấp nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình là đơn vị tuyến cuối tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho đơn vị tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện. Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, máu và vật tư y tế để điều trị cho bệnh nhân.
Số ca đau mắt đỏ thực tế cao hơn
Đối với dịch đau mắt đỏ, từ đầu tháng 9.2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 1.500 ca bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, theo ghi nhận qua hệ thống giám sát, số người bị đau mắt đỏ trong cộng đồng thực tế cao hơn rất nhiều và đang tiếp tục gia tăng.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, kịp thời ngăn chặn, xử lý các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động và phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ.
UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Y tế tăng cường, chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh, nhất là tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp... Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hoá chất, thiết bị phòng chống dịch.