Ngày 12.11, Cục Thú y phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) và Công ty C.P Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh.
Buổi tập huấn đã giúp các cán bộ thú y các địa phương chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhận biết những thông tin kỹ thuật về bệnh dịch tả lợn châu Phi và thống nhất triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng bệnh, quyết tâm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Với sự phối hợp có hiệu quả của Cty C.P Việt Nam và Tổ chức FAO tại Việt Nam, lớp tập huấn đã được triển khai thành công tới các đơn vị thuộc Cục, Chi cục của các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên – Huế trở ra).
Chương trình tập huấn với nguyên vật liệu xét nghiệm bệnh ASF trị giá hơn 2 tỉ đồng đã được C.P tài trợ.
Theo Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh rất nguy hiểm ở lợn. Thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), cho biết: Tính từ năm 2017 đến nay, trên thế giới đã có 19 quốc gia báo cáo bệnh, với tổng đàn lợn buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con.
Tại Trung Quốc, tính đến ngày 9.11, đã có 66 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh, làm tổng cộng hơn 470 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt, dịch bệnh đã xuất hiện ở các địa phương chỉ cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km.
Tình hình trên cho thấy nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao, nhất là khi các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc và sân bay Nhật Bản) cũng có thể là nguy cơ dẫn đến virus bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.