Thế nhưng, ngay khi mới nhận được tấm bằng tốt nghiệp, không ít người nộp đơn xin nghỉ việc để làm việc ở những bệnh viện mới có mức thu nhập cao hơn, thậm chí có trường hợp không thực hiện đền bù.
Nhận nhiều ưu đãi, vẫn nghỉ việc
Theo thống kê, trong 10 năm từ 2008-2018, tổng số sinh viên được cử đi đào tạo theo đề án “Đào tạo sinh viên y dược chính quy theo địa chỉ sử dụng” là 339 trường hợp. Trong đó, có 142 người đã tốt nghiệp bác sĩ. Những bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế công cộng… này đã được bố trí công tác. Cụ thể, tại trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai được phân về 7 bác sĩ, nhưng đến nay đã có 6/7 bác sĩ xin nghỉ việc.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Hiệu trưởng Cao đẳng y tế Đồng Nai - khi nhận các bác sĩ này về trường giảng dạy, nhà trường đã tạo điều kiện tối đa để các bác sĩ làm việc. Nhà trường cũng tạo điều kiện để các bác sĩ tham gia công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện để có chứng chỉ hành nghề. Nhưng khi đã có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ sư phạm, họ lại nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau như: Hoàn cảnh gia đình, môi trường giảng dạy chưa thích nghi… Thậm chí, để khuyến khích thêm, các bác sĩ về làm việc còn được hỗ trợ từ 100-150 triệu đồng/người nhưng vẫn không giữ chân được bác sĩ.
Còn tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai, BS Lê Thị Phương Trâm - Phó GĐ bệnh viện - chia sẻ, bệnh viện được tiếp nhận 10 bác sĩ học nội trú theo Đề án đào tạo theo địa chỉ. Đến nay, bệnh viện đã nhận 4 bác sĩ đã tốt nghiệp vào tháng 10.2018 thì 1 tháng sau đó, các bác sĩ này đã nộp đơn xin nghỉ việc. Trong đó, 1 bác sĩ nội trú chuyên ngành da liễu đang chờ bệnh viện duyệt đơn xin nghỉ việc. Còn 3 bác sĩ được đào tạo nội trú chuyên ngành “hot” hiện nay là Gây mê-hồi sức đều nghỉ việc dù bệnh viện chưa duyệt đơn. Cụ thể, bác sĩ L.H.V (bác sĩ nội trú tại trường Đại học Y dược TPHCM); bác sĩ Đ.T.B (bác sĩ nội trú tại Trường Đại học Y dược TPHCM) và bác sĩ B.B.H.
Cũng theo BS Trâm, khi đi học nội trú, những bác sĩ này hưởng nhiều chính sách ưu ái, UBND tỉnh Đồng Nai chi trả tiền học phí, còn bệnh viện đa khoa Đồng Nai vẫn trả lương (theo hệ số). Nếu bác sĩ có tham gia trực, bệnh viện vẫn trả tiền trực, tiền thưởng theo quy chế như 1 bác sĩ của bác sĩ đi học. Tính trung bình, bệnh viện đã chi trả khoảng từ 150-250 triệu đồng cho các bác sĩ này trong thời gian họ đi học.
“Như có một trường hợp là bác sĩ Đ.T.B suốt 3 năm học bác sĩ nội trú không hề về bệnh viện trực. Chúng tôi có liên hệ, vị bác sĩ này lấy lý do lịch học kín nên không về bệnh viện trực. Sau khi học xong, bác sĩ này cũng không chịu về bệnh viện làm việc dù chỉ 1 ngày trong khi phía bệnh viện vẫn trả lương đầy đủ 3 năm khi bác sĩ này đi học. Đơn xin nghỉ việc, bác sĩ này cũng nộp thẳng lên Sở Y tế, không thông qua BV” - bác sĩ Trâm chia sẻ.
Lương hấp dẫn từ các bệnh viện tư
Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai, đã có 36/142 người (chiếm trên 25%) đã xin thôi việc, tự ý bỏ việc, không chấp hành phân công công tác của Sở Y tế theo cam kết trước đó. Trong 36 người trên, có 29 người (17 bác sĩ, 9 dược sĩ, 3 cử nhân y tế) đã thực hiện đền bù kinh phí đào tạo với số tiền 7,5 tỉ đồng. BS Hà Đức Minh - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế - cho rằng, cốt lõi của vấn đề vẫn là thu nhập. Khi làm việc tại bệnh viện công, họ được trả theo hệ số, lương thấp, chỉ 6-8 triệu đồng/tháng (bác sĩ có chứng chỉ hành nghề). Trong khi đó, các bệnh viện tư nhân sẵn sàng chi trả 20-30 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, có 4 bác sĩ, 2 dược sĩ chưa thực hiện việc đền bù sau khi nghỉ việc. Sở Y tế Đồng Nai đã nhiều lần liên hệ, thông báo và nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa Dân sự.
Theo BS Trâm, những bác sĩ gây mê mà được đào tạo nội trú có kinh nghiệm, kiến thức vững đang là đối tượng “hot” để các bệnh viện tư “săn lùng”. Tất nhiên, lương trả cho họ rất cao, khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng.
BS Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - cho rằng, chiếu theo cam kết đã ký với Sở Y tế, họ sẽ phải đền bù gấp 2 - 3 lần chi phí đào tạo của tỉnh. Nhưng mục đích chính của ngành y tế là đào tạo nhân lực, chứ không phải vấn đề bồi thường. Hơn nữa, mức bồi thường hiện nay lại rất thấp, đặc biệt là các bác sĩ nội trú. Vì vậy, về lâu dài, Đồng Nai nên có 1 khoa đào tạo bác sĩ trong trường Đại học Đồng Nai để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. Những bác sĩ tuyến tỉnh không quá khó tuyển bác sĩ nhưng điều đáng lo ngại là các bác sĩ chuyên khoa, Trung tâm y tế tuyến huyện. “Chúng ta phải có sự thu hút hấp dẫn thì bác sĩ mới về các huyện yên tâm làm việc như ngoài hỗ trợ mức lương, cần mua đất xây nhà cho họ. Việc hỗ trợ này không được “cào bằng” mà phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng huyện”- BS Vũ đề nghị.
Số bác sĩ ở lại phục vụ vẫn cao hơn
“Những người đi học về xin nghỉ là những trường hợp cá biệt. Tỉnh Đồng Nai không thể vì một số lượng ít bác sĩ bỏ việc, không chấp nhận sự phân công mà bỏ đi đề án Đào tạo sinh viên y dược chính quy theo địa chỉ sử dụng”. BS Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai