Được cấp phát miễn phí
Trong bài viết "Thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi: Giá "chát", muốn mua phải có mật khẩu", Báo Lao Động đã đề cập đến tình trạng mua bán thuốc điều trị COVID-19 trên thị trường.
Thực tế việc này khiến cho người bệnh không những đối diện với việc mất rất nhiều tiền mà còn không thể xác minh được chất lượng thuốc.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Chủ tịch Hội Dược học TPHCM kiêm thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết: Trên mạng xã hội có rao bán một số thuốc, đặc biệt là thuốc C - thuốc kháng virus Molnupiravir đang trong giai đoạn phát miễn phí cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà theo ý kiến của bác sĩ.
“Những F0 điều trị tại nhà đã được thành phố trang bị cho các túi thuốc A, B, C. Trong đó, thuốc C đang thử nghiệm, chờ cấp giấy đăng ký, chưa bán ra ngoài thị trường. Nếu là F0, người dân chỉ cần báo với y tế địa phương, cán bộ y tế sẽ kiểm tra, chuyển túi thuốc C để sử dụng và người dùng phải kí hợp đồng rõ ràng, không được tuồn thuốc ra thị trường”, bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh túi thuốc đó tuồn ra từ bệnh nhân nhận hay các trạm y tế.
“Tôi khuyến cáo người dân không nên có tâm lí mua để dành bởi là F0 rồi thì mới uống. Uống thuốc cũng cần có sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu có nhu cầu sử dụng cứ đăng ký với y tế địa phương để được cấp phát miễn phí. Người dân hãy nhớ rằng chính sách của Nhà nước luôn bảo đảm việc khám chữa, điều trị bệnh cho người bệnh. Người dân được quyền sử dụng miễn phí thuốc kháng virus”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.
Vấn nạn thuốc giả
Chủ tịch Hội Dược học TPHCM nhấn mạnh khi sử dụng thuốc phải là những thuốc hợp pháp, được đăng ký, nhập khẩu theo nguồn chính thống, được sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Người dân nếu mua hàng trôi nổi thì không bảo đảm chất lượng, gây nguy hiểm cho người dùng.
Bà Lan đưa khuyến cáo: Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, không phải cứ mua về là dùng. Khi dùng thuốc phải có ý kiến của bác sĩ và bảo đảm thuốc hợp pháp, đảm bảo chất lượng.
"Vấn nạn thuốc giả không chỉ riêng ở nước ta. Đây là ngành lợi nhuận rất lớn và béo bở nên có rất nhiều đối tượng ở tất cả các nước làm thuốc giả, buôn bán thuốc giả. Hiện giờ, lợi dụng cơn sốt ai cũng sợ dịch bệnh, ai cũng sợ chết nên các đối tượng tranh thủ nhập thuốc về kinh doanh. Người dân không nên tiếp tay, sử dụng như vậy thậm chí thuốc còn bị thổi giá, đội giá lên rất cao so với giá chính thức”.
Hiện nay, túi thuốc C là thuốc kháng virus đáp ứng đủ số lượng và nhu cầu cho bệnh nhân trong diện được điều trị. Đến nay, tại TPHCM đã có khoảng hơn 10.000 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà trong diện đủ tiêu chí đáp ứng với điều trị đã ký cam kết được tiếp cận, sử dụng túi thuốc C.
Trước phản ánh các gói thuốc C đang được mua bán trên thị trường “chợ đen”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, trên nguyên tắc, gói thuốc C khi sử dụng điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà, tại bệnh viện phải được quản lý chặt chẽ, dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế.
Các cơ quan y tế có nhiệm vụ theo dõi bệnh nhân hàng ngày trong quá trình họ sử dụng thuốc. Thuốc không sử dụng hết phải trả về cho Sở Y tế để quản lý. Sở cũng thành lập 8 đoàn kiểm tra để quản lý việc cấp các gói thuốc A, B, C.
“Trước tình trạng rao bán các gói thuốc C trên mạng, ngày 21.9, Sở Y tế đã có văn bản 6788 nhắc lại vấn đề sử dụng và quản lý chặt chẽ gói thuốc C. Thanh tra Sở Y tế và Công an thành phố đang tìm hiểu, điều tra vấn đề rao bán thuốc và sẽ xử lý các trường hợp vi phạm nếu có”, ông Châu cho hay.