Ngày 12.3, ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã yêu cầu cơ quan Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, khởi tố các vụ án phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn theo pháp luật.
Tại huyện Kon Plông, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến ngày càng phức tạp. Mới đây, vào ngày 7.3, lâm tặc đã chặt phá rừng, cưa hạ khoảng 26 gốc cây với các chủng loại như Xoan mộc, Bời lời vàng, Xoan ta, Máu chó…Tại hiện trường, có 33 lóng gỗ với tổng khối lượng hơn 36m3, tại khoảnh 11, Tiểu khu 486 thị trấn Măng Đen. Lâm tặc đã chọn các loại gỗ đẹp, sát phần gốc tẩu tán khỏi hiện trường.
Trước đó, Báo Lao Động phản ánh, cơ quan Công an khởi tố vụ án Hủy hoại rừng xảy ra tại lô 8, khoảnh 12 Tiểu khu 477, lâm phần rừng UBND xã Măng Cành quản lý. Theo kết quả đo đếm của ngành chức năng, diện tích bị phá trắng khoảng 14.360m2. Có những vạt rừng, lâm tặc đã phun tưới xăng dầu sau đó châm lửa đốt. Cây gỗ lâu năm, sừng sững trong phút chốc thành than, vết cháy đen loang lổ trên nền đất rừng. Chỉ có những cây gỗ lõi rắn chắc còn sót lại.
Điều đáng nói, vụ án phá rừng diễn ra ở nơi có… góc nhìn đẹp. Từ vị trí hiện trường, phía bên kia sông Đăk Snghé là rừng xanh, thấp thoáng những bản làng mờ sương, ruộng lúa của dân. Anh A Lực – người dân xã Đăk Long, huyện Kon Plông tiết lộ: “Thực tế rừng đang bị hủy hoại, xâm lấn dần dần, đặc biệt những nơi có vị trí đẹp, tầm nhìn bao quát để làm du lịch, mở các homestay, farmstay…”.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, chính quyền huyện phối hợp với Kiểm lâm tăng cường các hoạt động tuần tra, truy quét các điểm nóng, nổi cộm về chặt phá, khai thác lâm sản trái phép. Rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản hợp pháp.