Khi trẻ mầm non làm quen tiếng Anh

Dương Hà |

Với tâm lý muốn con mình làm quen với tiếng Anh càng sớm càng tốt, nhiều bậc phụ huynh đã không tiếc tiền đầu tư cho con học ở những trường mầm non song ngữ, mua sắm nhiều học liệu tiếng Anh nhập khẩu với giá “chát”… Vấn đề đặt ra là trong điều kiện dạy và học tiếng Anh ở VN hiện nay, đặc biệt với riêng cấp mầm non, việc để trẻ tiếp cận tiếng Anh quá sớm có lợi bất cập hại, như dư luận xôn xao trong thời gian qua?
Loay hoay với công văn

Câu chuyện này lập tức được “nóng” dư luận, ngay sau khi Bộ GDĐT ban hành Công văn số 694/BGDĐT - GDMN ngày 18.2.2014, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non trong cả nước tuyệt đối không tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ngay sau khi Công văn ra đời, nhiều giáo viên, phụ huynh đã lên tiếng phản ứng về tính phi lý của văn bản này. Phần đông dư luận nghiêng về việc phản đối những yêu cầu đưa ra trong Công văn, và vẫn nên tiếp tục dạy ngoại ngữ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non.

Chị Huỳnh Thu Lý, ở Q. Tây Hồ - Hà Nội, có con đang theo học tại một trường mầm non song ngữ trong quận, bức xúc: “Tôi cũng không hiểu tại sao Bộ lại ban hành Công văn này? Mỗi tháng tôi bỏ ra 10 triệu đồng để nộp học phí cho con, chỉ để bé tiếp cận với tiếng Anh và các giáo viên bản ngữ. Chưa tham vọng về việc cho con biết được thêm câu, từ, hay giao tiếp tốt, chỉ cần con lắng nghe và làm quen với những đồ vật quen thuộc nhất bằng tiếng Anh, hay đơn giản là tiếp xúc với người nước ngoài để con khỏi bỡ ngỡ, như vậy với tôi cũng là quá thành công trong việc để bé tiếp cận tiếng Anh rồi!”.

Cùng quan điểm với chị Lý, cô giáo Nguyễn Hà Phương - giáo viên một trường mầm non lớn ở Q.Hà Đông, chia sẻ: “Thực ra, dù có Công văn hay không, chúng tôi đã chủ động tạo môi trường để các bé làm quen với ngoại ngữ theo từng độ tuổi. Mục đích là để bé nghe và nhận biết được đâu là tiếng mẹ đẻ, đâu là tiếng nước ngoài, từ đó kích thích tư duy và sự khám phá của bé trong các giờ học. Đúng nghĩa của hoạt động này là làm quen với tiếng Anh chứ trường chúng tôi hoàn toàn không nặng nề về vấn đề học”.

Một số phụ huynh khác nhấn mạnh rằng, cho con học tiếng Anh là một nhu cầu của rất nhiều các bậc làm cha mẹ. Vì thế việc “nghiêm cấm” tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ lứa tuổi này không được phần đông dư luận đồng tình.

Dĩ nhiên, Bộ GDĐT có cơ sở để ban hành Công văn này. Theo Bộ GDĐT, hiện nay có thực tế là một số cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Các sở GDĐT, trong các báo cáo gửi lên Bộ GDĐT cũng phản ánh rất rõ, có không ít cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ nhưng người dạy chưa đảm bảo về trình độ ngoại ngữ hoặc chưa có nghiệp vụ sư phạm; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ; nội dung tài liệu chưa phù hợp với độ tuổi, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, trước mong muốn nguyện vọng của phần đông các bậc phụ huynh, chưa đầy một tháng từ sau khi có Công văn nói trên, Bộ GDĐT lại tiếp tục ban hành một công văn khác vào ngày 18.3. Công văn 1303/BGDĐT- GDMN nêu rõ: Bộ GDĐT cho phép những cơ sở có đủ điều kiện được phép tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ.

Công văn này cũng nhấn mạnh, những nơi có đủ nội dung chương trình cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ (phát triển về thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ), sẽ được Sở GD - ĐT thẩm định và cho phép tổ chức dạy ngoại ngữ.

Công văn cũng đưa ra quy định, những cơ sở được dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non phải có giáo viên hướng dẫn có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non. Đồng thời, có phòng tổ chức hoạt động đầy đủ trang thiết bị giúp trẻ được tiếp cận với ngôn ngữ mới một cách chuẩn mực, phương tiện nghe nhìn, tranh ảnh, đồ chơi... phù hợp sẽ được tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ.

“Không phải cứ lo ngại là… xóa sổ!”

Những động thái có vẻ như loay hoay của Bộ GDĐT khiến không ít giáo viên tiếng Anh cho lứa tuổi mầm non - những người rất tâm huyết với công việc chuyên môn, cảm thấy băn khoăn. Trao đổi với Lao Động, bà Hồng Liên - Chủ tịch HĐQT hệ thống trường quốc tế Global (Hà Nội) cho biết: “Mặc dù Bộ GDĐT có cơ sở để ban hành Công văn, và đó cũng là sự lo ngại của cơ quan này trước thực tế chung về giảng dạy tiếng Anh hiện nay ở nước ta, không riêng gì cấp mầm non. Thế nhưng, không phải cứ lo ngại là… “xóa sổ”, là cấm, thậm chí sẽ vô cùng nguy hiểm nếu cấm đoán trẻ ở độ tuổi này tiếp cận với ngoại ngữ”.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tiếng Anh, bà Hồng Liên cho rằng, trẻ em từ 0 - 6 tuổi đã có thể hình thành đến 85% con người hoàn chỉnh. Để trẻ tiếp cận với ngoại ngữ trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết, tạo nên nền tảng về ngôn ngữ thứ 2 ngoài tiếng mẹ đẻ rất tốt cho trẻ.

“Nhà quản lý giáo dục cần phải tìm một giải pháp thay thế mang tính xây dựng hơn là ban hành những văn bản kiểu này, nếu chưa thể áp dụng đại trà thì hoàn toàn có thể thí điểm mô hình, trong đó kiện toàn đội ngũ giáo viên giảng dạy, các phương pháp giúp trẻ tiếp cận tiếng Anh hiệu quả nhất theo từng độ tuổi. Tôi đảm bảo là sẽ có không ít trường mầm non đăng ký thí điểm nếu được cho phép” - bà Hồng Liên nói.

Trong thực tế, dù có những văn bản nói trên hay không, thì lâu nay các trường mầm non có uy tín và quy mô luôn lồng ghép ở mức độ vừa phải các cách để trẻ có thể làm quen với tiếng Anh. Một số trường tổ chức làm quen tiếng Anh cho trẻ theo từng chủ điểm, chủ đề vào mỗi tuần, kết hợp với các hoạt động văn - thể liên quan đến chủ đề đó.

Đối với những trẻ mầm non từ 1 - 2 tuổi, các bé được làm quen tiếng Anh thông qua bài hát, trò chơi, hoặc đơn giản như được lắng nghe những giáo viên người nước ngoài nói tiếng Anh và cùng chơi với bé, giúp bé không thấy “sợ” những người nước ngoài. Tùy độ tuổi, chương trình học tại các trường mầm non quốc tế, trường mầm non song ngữ, đều có cách vận dụng nhuần nhuyễn.

Theo bà Hồng Liên, điều cốt lõi đối với việc để trẻ làm quen với tiếng Anh là không chỉ học ngôn ngữ, mà còn giúp các bé bước đầu hình thành thói quen tìm hiểu văn hóa, ý thức của các nước thông qua những hành vi rất nhỏ hàng ngày. Đó còn là rèn luyện cho bé tính độc lập thông qua phương pháp học tiếng Anh.

Tuy nhiên, chính vì trẻ mầm non là độ tuổi dễ tiếp thu ngoại ngữ nên theo khuyến cáo của nhiều nhà giáo dục, nhất thiết phải có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh cho mầm non chuẩn hóa, chương trình giảng dạy phù hợp của nhà trường với các thiết kế giờ học sống động, đặc biệt là phải chơi được với trẻ, để trẻ tiếp cận ngoại ngữ một cách thoải mái, tự nhiên nhất.

“Riêng giáo trình dạy tiếng Anh cho các cấp, trong đó có mầm non, cần có một bộ giáo trình hoàn chỉnh từ nước ngoài, ngành giáo dục trong nước không nên tự soạn giáo trình mà cần học hỏi và kế thừa sự thành công của giáo dục tiếng Anh ở các nước trên thế giới. Ngoài ra, cần có bộ máy giám sát chương trình giảng dạy về sách, giáo trình, giáo viên. Muốn việc trẻ học tiếng Anh thực sự hiệu quả, tránh những lệch lạc kiến thức và các kỹ năng không đáng có, bộ máy này phải vào cuộc mạnh mẽ, không làm tùy tiện, đại khái!” - bà Hồng Liên nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cải cách, hội nhập là phải khuyến khích học ngoại ngữ”

Tại cuộc họp chính phủ thường kỳ hồi cuối tháng 2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu vấn đề về văn bản của Bộ GDĐT cấm tuyệt đối dạy ngoại ngữ cho mẫu giáo. Phó Thủ tướng cho rằng điều này gây nhiều ý kiến băn khoăn và giật mình cho cộng đồng. Bởi, cải cách và hội nhập là phải khuyến khích học ngoại ngữ. Theo giải trình của Bộ GDĐT, có hiện tượng nhiều lớp mẫu giáo dạy không chỉ tiếng Anh, mà cả Toán, dạy chữ. Rằng nhiều trường ép các cháu học, rồi phương pháp nhiều khi chưa được kiểm chứng. Bộ GDĐT được yêu cầu phải có hướng dẫn. “Việt Nam thúc đẩy hội nhập, đổi mới mà lại ép xuống như thế. Cái gì chưa đúng thì chấn chỉnh, nhưng phải khuyến khích các bé học ngoại ngữ càng sớm càng tốt” - ông nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua, trong đó có giáo viên mầm non. Điều này thể hiện qua biên chế giáo viên tăng rất cao, trong mấy năm tăng mấy trăm ngàn giáo viên, trong khi công chức của cấp huyện trở lên, các Đảng, đoàn, xã hội, con số tròn là 384 ngàn. Ông nhận định: “Chúng ta đã thực hiện chuẩn hóa, chia nhỏ lớp. Nhiều người báo cáo với tôi là thừa giáo viên phổ thông, việc đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa chúng ta phải đào tạo lại một loạt. Sắp tới cần tính toán thế nào bài toán giáo viên mầm non vì quyền lợi chung của các cháu mầm non trong tổng biên chế”.

Bà Phan Thị Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ mầm non (Bộ GDĐT): “Chỉ dừng ở mức độ cho trẻ làm quen với tiếng Anh!”

Hiện có thực trạng một số cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh, nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Người dạy chưa đảm bảo về trình độ ngoại ngữ hoặc chưa có nghiệp vụ sư phạm, các trường thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ, nội dung tài liệu chưa phù hợp với độ tuổi, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Việc dạy học ngoại ngữ ở mầm non theo kiểu phổ thông hóa như một số cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện trong thời gian qua là không phù hợp với đặc điểm phát triển tâm - sinh lý của trẻ mầm non. Chính vì thế, “học” ngoại ngữ ở độ tuổi mầm non chỉ nên dừng lại ở mức độ cho trẻ làm quen, với mục đích giúp trẻ nhận ra, thích thú khi được làm quen với ngôn ngữ mới, vui sướng khi được tham gia vào các hoạt động khám phá. Những hoạt động này phải góp phần giúp trẻ phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết như: Sự nhạy cảm của các giác quan, linh hoạt trong tư duy và nhận thức, tăng khả năng giải quyết vấn đề, phát triển tính sáng tạo, nâng cao tính tự tin trong giao tiếp, tự trọng...

Bà Phạm Thị Hồng Nga - PGĐ Sở GDĐT Hà Nội: “Hà Nội đang xin thí điểm”

Sở GDĐT Hà Nội đang hoàn thiện đề án xin thí điểm cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh ở nơi đủ điều kiện. Nhu cầu cho trẻ làm quen tiếng Anh là có thật ở một bộ phận phụ huynh. Theo nghiên cứu của thế giới, trẻ phát triển ngôn ngữ tốt nhất từ 2 - 6 tuổi nên việc cho trẻ làm quen tiếng Anh sớm phù hợp với thời kỳ hội nhập hiện nay. Vì thế, Hà Nội đang thí điểm cho trẻ làm quen tiếng Anh ở những nơi đủ điều kiện, cơ sở vật chất, với chương trình được thẩm định và đội ngũ giáo viên nước ngoài hoạt động hợp pháp, có nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ mầm non. Hà Nội không có chủ trương tuyển biên chế dạy tiếng Anh bậc mầm non. Đề án cũng nhấn mạnh đến phương pháp để trẻ tiếp cận, làm quen với môn học này, các chương trình làm quen được thiết kế mở, cho trẻ làm quen tiếng Anh thông qua bài hát, trò chơi với thời gian chỉ 30 phút. Phụ huynh có nhu cầu thì trẻ được đến phòng học riêng, để tránh tủi thân cho các cháu không có nhu cầu.                  Nhật Lam - Phương Thủy ghi

 

 

Dương Hà
TIN LIÊN QUAN

Bắt giam Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

TRUNG DU |

Thái Bình - Ông Vũ Văn Hạnh (54 tuổi), Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Mục sở thị phố ẩm thực Hàn Quốc ngay giữa Hà Nội

Linh Boo |

Ghé khu K-Town ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), du khách có thể thưởng thức ẩm thực tại những quán ăn chuẩn vị Hàn Quốc, và đứng “đâu cũng có ảnh đẹp”.

Tất cả mẫu nước sau vụ vỡ đập thải ở Bắc Kạn đều không đạt

Việt Bắc |

10/10 mẫu nước lấy tại Tuyên Quang xét nghiệm sau vụ vỡ đập bùn thải của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đều không đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sinh hoạt.

Thông tin chính thức vụ thân mật trong lớp học ở Long Biên

KHÁNH AN |

Hà Nội - Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, cô giáo xuất hiện trong clip ở Long Biên ít kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém.

CLB Hoàng Anh Gia Lai bị Đà Nẵng cầm hòa trên sân khách

NHÓM PV |

Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai chỉ có 1 điểm sau trận hòa 1-1 trước SHB Đà Nẵng trên sân Hòa Xuân tại vòng 4 LPBank V.League 2024-2025 tối 3.10.

Giải cứu bé 5 tuổi bị đối tượng tâm thần dùng dao kề cổ

Tô Công |

Phú Thọ - Lực lượng Công an huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ để giải cứu cháu bé 5 tuổi bị người đàn ông tâm thần dùng dao khống chế.

Bám trụ giữa bom rơi đạn lạc ở miền nam Lebanon

Bùi Đức |

Trong bối cảnh hàng nghìn người dân phải di tản vì chiến tranh khốc liệt ở miền nam Lebanon, vẫn có một người đàn ông ở lại để cưu mang những con vật bị bỏ rơi.

Bất cập thi học sinh giỏi cấp trường ở chuyên Lam Sơn

Xuân Hùng |

Thanh Hóa - Thay vì lên kế hoạch, công khai trước khi thi chọn học sinh giỏi cấp trường thì Trường chuyên Lam Sơn lại thực hiện theo kiểu "tiền trảm hậu tấu".