Trước những cơn sốt đất “đổ bộ” các tỉnh, thành cả nước trong thời gian qua, bên cạnh câu chuyện những nhà đầu cơ lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỉ thì những người làm môi giới cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền, thậm chí dùng đủ chiêu trò, mánh khóe tinh vi để móc túi từ người bán và người mua.
Quan sát thị trường bất động sản đất nền hiện nay ở các quận, huyện vùng ven Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và các tỉnh thành khác không ít người liên tưởng tới thị trường lan đột biến.
Quy hoạch mới, nâng cấp từ huyện lên quận… cũng chưa bao giờ là điều quá đặc biệt. Các thửa đất chia lô, liền thổ… cũng là những sản phẩm bất động sản "xưa như trái đất" nhưng gần đây nó được đặc biệt hóa và hiếm hóa bởi những mạng lưới môi giới nhà đất dày đặc đan xen có chung một mục đích là kiếm lợi bằng cách khuấy đảo và thổi giá thị trường.
Trước việc giá đất ở nhiều nơi tăng cao đột biến, gây hiện tượng "sốt ảo", ngoài các tỉnh thì hai Bộ gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng đã phải ra các văn bản nóng để kiềm chế tình trạng này.
Ngày 24.4, chia sẻ với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực.
Theo ông Châu, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông - hám lợi”, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá đất tăng dựa trên thông tin chung thì không được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá. Đó là hiện tượng đầu cơ. Việc mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và rồi sẽ bị dừng lại.
Đánh giá về giả thuyết siết tín dụng để hạn chế tình trạng đầu cơ lướt sóng, ông Thịnh cho rằng, siết tín dụng được xem là một biện pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế của Việt Nam đang đạt tăng trưởng dương thì các biện pháp đưa ra sẽ cần được xem xét cẩn thận khi được áp dụng trên diện rộng.